Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô đang đi đúng hướng phát triển xanh, hạn chế các chế phẩm hóa học vào quy trình. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn gặp một số khó khăn và cần các giải pháp tháo gỡ đồng bộ về cả công nghệ và con người.

Ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao giá trị hàng hóa

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng thông qua các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Mô hình trồng rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) là ví dụ cụ thể. Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện, hợp tác xã đã triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn. Sau khi thí điểm, nhận rõ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà sản phẩm đầu ra cũng có giá thành cao hơn, hợp tác xã đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

leftcenterrightdel
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Hà Nội đang đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Đơn vị này đã xây dựng thành công mô hình trồng rau xanh trong nhà kính với quy mô 5.000m2 với trang bị hiện đại, đồng bộ, có đầy đủ giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Tính tới thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng cung cấp trên 10 tấn rau sạch giá trị cao cho thị trường Hà Nội.

Cũng tại huyện Ứng Hòa, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình anh Bùi Văn Chung ở xã Hồng Quang cũng được đánh giá cao. Anh Chung bắt tay vào sản xuất dưa lưới sinh học với quy mô khoảng 6.200m2 được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát chặt chẽ bằng điện thoại thông minh và có hệ thống điều khiển nhiệt độ và ánh sáng, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển. Chính nhờ ứng dụng công nghệ, sản phẩm dưa lưới của anh Chung không những cung cấp số lượng lớn ở TP Hà Nội, mà còn tại các tỉnh lân cận.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, không riêng huyện Ứng Hòa, trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Hiện tại, toàn thành phố đã triển khai 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tuy quy mô nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lợi thế địa bàn của Hà Nội.

“Một số mô hình công nghệ cao được áp dụng chủ yếu hiện nay trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm: Trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, nhà có lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, phòng trừ dịch hại; sử dụng các giống lúa, rau, hoa chất lượng. Còn trong lĩnh vực chăn nuôi nổi bật là ứng dụng công nghệ chuồng lồng có trang bị hệ thống phun sương làm mát, núm nước uống, máng tự động. Trong nuôi trồng thủy sản sử dụng quạt nước, chế phẩm sinh học trong xử lý nguồn nước… Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã gia tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Cần các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển

Hiệu quả đem lại cả về kinh tế và xã hội từ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên là vấn đề về hạ tầng. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải thực hiện trên quy mô lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ… Trong khi đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, năng lực, trình độ còn hạn chế; tỷ lệ người lao động trực tiếp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Đất nông nghiệp phần lớn đều do hộ gia đình quản lý có quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết, hợp tác để thực hiện đầu tư, ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…

Tiếp đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với người dân chưa chặt chẽ, còn thiếu doanh nghiệp làm đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị… Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

leftcenterrightdel
Để đẩy nhanh phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần sự hỗ trợ không chỉ về kỹ thuật, mà còn là thay đổi tư duy của người sản xuất và người tiêu dùng. 

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để từng bước tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất và nông dân trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất theo quy trình đầu cuối (từ lúc gieo trồng, chăn nuôi, cho tới thành phẩm đầu ra); tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. 

Cùng với đó, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền đổi mới khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, tích tụ đất đai, hoàn chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay, bảo đảm có tính định hướng sản xuất nông sản có định hướng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng...

Bài, ảnh: TUẤN SƠN