QĐND - “Cửa sổ” (NXB Thế giới) là một cuốn sách tranh, nói đúng hơn là một cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Tạ Huy Long. Họa sĩ đã hồi tưởng về tuổi thơ, khi chỉ là cậu bé mười tuổi, sống trong khu phố cổ Hà Nội thời bao cấp.
Tạ Huy Long là một trong những họa sĩ truyện tranh hàng đầu Việt Nam hiện nay. Nét vẽ của anh đã đi vào lòng công chúng thông qua những bộ truyện về Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt…, đặc biệt là cuốn truyện tranh minh họa “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
“Cửa sổ” được đặt trong bối cảnh thời bao cấp và có một góc nhìn khá thú vị. Đó là điểm nhìn từ ô cửa sổ của một cậu bé mười tuổi thường bị mẹ nhốt ở nhà một mình. Tạ Huy Long tâm sự: “Cái cửa sổ mà tôi không thể biết bên ngoài nó có những gì… Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải dài bên dưới”.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/thuthuy/2015/7/19/02093154983.jpg) |
Một bức tranh trong cuốn sách "Cửa sổ" của Tạ Huy Long. |
Hà Nội trong tranh Tạ Huy Long là khi tàu điện vẫn leng keng trên những tuyến phố, và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vẫn là xe đạp; từ hè phố liền với đường tới những ngôi nhà mái ngói rêu phong đều mộc mạc, nguyên sơ và cổ kính, trầm tư. Hay đâu đó trong những trang truyện tranh còn có sự xuất hiện của cầu Long Biên với những bãi bồi trải dài, hình ảnh con thuyền nhỏ giữa dòng sông Hồng mênh mang cuộn trào sóng nước trong đêm trăng sáng. Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định: “Tác giả đã tái hiện quá khứ như một hiện thực, rất chân thực. Hà Nội đẹp hài hòa, cân đối trong từng đường nét của bức tranh. Nếu như người viết văn thể hiện câu chuyện của mình bằng thứ ngôn ngữ miêu tả cụ thể để người đọc hiểu đã khó, thì người họa sĩ mang câu chuyện đến với bạn đọc bằng những nét vẽ có hồn, có thần thái lại càng khó hơn. Họa sĩ Tạ Huy Long đã làm được điều đó khiến câu chuyện về vẻ đẹp Hà Nội hiện lên rất có hồn”.
Làm nên được một bức tranh Hà Nội sống động như vậy có lẽ là nhờ kỹ thuật vẽ tranh điêu luyện của Tạ Huy Long. Hà Nội hiện lên với hình vẽ chân thực, tỉ mỉ trong từng chi tiết, tinh tế nhưng giàu sức gợi cảm; lời văn ngắn đã tạo ra nhiều khoảng trống để người đọc "gặm nhấm" cái đẹp Hà Nội năm nào. Đường nét, khung cảnh trong truyện được phác họa khỏe khoắn; ánh sáng, màu sắc của từng cảnh vật đều đẹp trong sự hài hòa, cân đối và khá dung dị. Mai Thùy Dương, một bạn trẻ người Hà Nội, chia sẻ: “Cửa sổ” đã đem đến cho tôi và nhiều bạn trẻ những trải nghiệm mới lạ về Hà Nội khi mà chúng tôi không được đắm mình trong khoảnh khắc đó. Những nét vẽ của Tạ Huy Long trong cuốn “Cửa sổ” khá đơn giản, nhưng tạo được sức gợi rất lớn không giống với phong cách vẽ truyện tranh Nhật Bản”.
“Cửa sổ” không chỉ dừng lại ở hình ảnh Hà Nội trong những năm tháng của thế kỷ trước mà nó còn đặt ra vấn đề: Vậy thế hệ trẻ bây giờ nhìn đi đâu khi không còn có được ô cửa sổ như của cậu bé Tạ Huy Long năm nào?! Có những cửa sổ vô hình và hữu hình, nhưng điều quan trọng nhất là dù có ở bất cứ thời điểm nào, hãy mở cánh cửa vô hình. Đó là rộng mở cánh cửa trong tâm hồn của chính bản thân mỗi người.
Bài và ảnh: MAI HÒA