QĐND Online - Khúc sông Hồng chảy qua Việt Trì, từ đây còn gọi là sông Nhị Hà. Nhiều người nói, ban đầu gọi là Nhĩ Hà, vì nó có nhiều khúc quanh co như vành tai (nhĩ). Sau gọi chệch là Nhị Hà. Bây giờ nhìn trên ảnh vệ tinh, thấy từ Vân Nam, Vân Phúc, Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về mãi dưới hạ lưu quả có nhiều khúc “vành tai”, nhất là vào mùa kiệt.
|
Dấu xưa còn lại chút bãi bờ, doi cát bãi Nhật Tân. |
Nhị Hà chảy trên địa bàn Hà Nội chỉ khoảng vài chục cây số, nhưng lưu vực sông bồi đắp thành nhiều vùng bãi mỡ màu, như triền bãi sang bến Súng (Đan Phượng sang Đông Anh), bãi Nhật Tân, Tứ Liên (Tây Hồ), bãi Tàm Xá (Đông Anh)… Hết bãi Tàm Xá, Nhị Hà chia thêm một dòng nhỏ, đó là sông Đuống, khởi nguồn từ thôn Bắc Cầu xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Nhìn Đuống giang, khiến ta lại nhớ câu thơ của thi sĩ liêu trai Hoàng Cầm: “Bên kia sông Đuống, ngày xưa cát trắng phẳng lỳ, ngô khoai biêng biếc… nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Triền bãi Nhị Hà cũng ngút ngàn màu xanh ngô khoai biêng biếc tới tận chân đê xa tít, kéo suốt về vùng bãi Tự Nhiên, nơi mà theo truyền thuyết Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung - con gái vua Hùng thứ sáu, đền Chử Đồng Tử cũng nằm bên sông Nhị Hà.
Từ ngàn đời, dòng Nhị Hà đỏ nặng phù sa đã bồi đắp cho bãi bờ, thôn làng bên sông cuộc sống thanh bình, nhưng cũng chứng kiến nhiều cơn binh đao trong chiều dài dựng nước-giữ nước.
Bên dòng Nhị Hà, trên đất Mê Linh, nay đã về Hà Nội, cũng là nơi Hai Bà Trưng khởi nghĩa khiến thái thú Tô Định phách lạc hồn siêu.
|
Làng Hải Bối, Đông Anh, ven sông ngày nay, xa là dãy Tam Đảo. |
Thu năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, thuyền đến bến Bồ Đề (Gia Lâm) chợt thấy rồng vàng bay khỏi mặt nước Nhị Hà quyện vào trời biếc. Người cho đó là điềm báo vận hội tốt đẹp, đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay).
Bến Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Bạch Đằng là mồ chôn quân Nguyên qua bao cuộc chiến đấu giành lại nước. Bờ đê làng Bồ Đề, phía Bắc Nhị Hà, Lê Lợi từng lập đại bản doanh, chỉ huy quân sĩ vây đánh giặc Minh giải phóng Thăng Long.
Những năm đánh Pháp, Bến Cốc (huyện Phúc Thọ) là nơi Việt Minh thường đi về, vận động nhân dân chớp thời cơ khởi nghĩa. Ngay bên kia bãi Tàm Xá là pháo đài Xuân Canh, nơi Vệ quốc quân từ tả ngạn dòng Nhị Hà nổ pháo lệnh Toàn quốc kháng chiến năm 1946, bất ngờ nã những loạt đạn đại bác vào các mục tiêu quan trọng của thực dân Pháp trong nội thành, yểm trợ cho quân, dân Hà Nội tiến công địch .
Vào một đêm mùa Đông năm 1946, sau 60 ngày đêm khói lửa cầm chân quân địch, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật vượt sông trước mũi súng của binh lính Pháp, đoạn qua bãi Tứ Liên. Dòng Nhị Hà đã che chở cuộc rút quân thần kỳ có một không hai trong lịch sử chiến tranh cách mạng, đưa cả trung đoàn về chiến khu an toàn.
Những ngày đánh Mỹ, những cụm súng phòng không trên nóc cầu Long Biên nhằm thẳng máy bay địch mà bắn. Những trận địa pháo, tên lửa ven dòng Nhị Hà ở Nghĩa Dũng, Phú Thượng… trăm trận khạc lửa vào lũ cướp trời, giành chiến công chói lọi. Cũng từ cây cầu này, dòng Nhị Hà đã đưa tiễn nhiều lứa trai qua sông vào Nam chiến đấu và đón các anh trở về.
|
Bờ hữu ngạn Nhị Hà, khúc qua Phú Thượng Tây Hồ |
Hòa bình thống nhất, Đất Việt hội nhập, hai bờ tả hữu Nhị Hà, chỉ tính khúc qua Thủ đô Hà Nội đã bừng lên sắc mới. Cách bến phà Chèm không xa là cây cầu hữu nghị Việt Nga, mang tên Rồng bay, tấp nập xe cộ các loại, khiến lứa trai thời chiến nhớ khôn nguôi về cầu phao gập ghềnh, bên những con phà chiến tranh chở pháo cao xạ qua sông ngày nào. Cùng với cầu Chương Dương bắc ngang dòng nước đỏ, lần lượt là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, rồi cầu Nhật Tân hướng bàn tay xòe tỏa về phía Bắc, nối Thủ đô gần với chiến khu xưa. Giờ đây từ Hà Nội đi Lào Cai cũng chỉ tính đôi giờ. Có người nói, nhìn mật độ giao thông, biết được sức khỏe nền kinh tế đất nước. Ngần ấy cây cầu qua Nhị Hà đang tiến nhanh đến mật độ lưu thông tới hạn mà mừng.
Một người dân quê ở Nhật Tân, sau 30 năm làm ăn ở hải ngoại về nước, ông dành cả ngày đi trên đôi bờ đê quanh co, tả hữu sông Nhị Hà, mặt đê bây giờ là đường giao thông đổ nhựa láng bóng. Từ triền đê cao, ông chụp cả trăm bức ảnh về nhịp sống ven Nhị Hà. Không còn bến đón bè tre nứa từ thượng nguồn, mà là cả ngàn ngôi nhà hai tầng, mái ngói đỏ au, xen giữa vườn ổi, vườn đào ngăn ngắt. Vài chục sân bóng, hàng trăm xưởng máy, kho tàng, nhà văn hóa, nhiều trường học chuẩn quốc gia mới khai trương suốt từ Đan Phượng xuống Thanh Trì. Nhìn dòng sông tấp nập tàu bè sang xuôi, chiều ngược, ông khẳng định ven dòng Nhị Hà bây giờ môi trường sống là tuyệt vời nhất. Không bao giờ còn những bãi rác lềnh bềnh, hôi thối. Không còn những bãi than lầm lũi một thời.
Chỉ nhìn mấy ngàn mét ven Nhị Hà, gần Hoàng Thành xưa, nào tháp ngân hàng, tháp điện lực cùng hàng chục tòa nhà cao ngất, thấy Nhị Hà đang soi bóng mình, bóng thuyền vươn lên trời cao mà xúc động.
|
Bãi giữa, đối diện kè Phú Gia Tây Hồ |
Bao lứa đôi mùa lót ổ uyên ương, giờ đây thường gọi nhau ra ven sông, ven bãi Nhị Hà chụp ảnh lưu hình, đông như hội, thấy nhịp sống mới Hà thành đã quá khác xưa. “Đất lành chim đậu”, suốt dải Nhị Hà qua Thủ đô, mỗi vuông đất, mỗi mảnh vườn còn lại là báu vật của mỗi nhà. Đất, nhà ven Nhị Hà giờ đây là niềm mơ ước của nhiều cư dân Hà Nội.
Dân số Hà Nội giờ đây tăng lên rất nhanh. Trong vòng 4 năm (2008 - 2011) đã tăng khoảng 43 vạn người, trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Thủ đô đạt trên 7,1 triệu người. Mỗi năm, ở Hà Nội có trên 100.000 trẻ được sinh ra, cộng với làn sóng nhập cư về, quy mô dân số đã tăng gần bằng với dân số một huyện lớn (khoảng 200.000 người). Cũng vì thế, dải bờ bãi Nhị Hà, vốn thưa dân, đất màu mỡ trước đây, nay là nơi cư dân về tụ hội đông đúc. Chính quyền Thủ đô đã tiên lượng được điều này. Quận Tây Hồ, quận Hoàng Mai, quận Long Biên và mới đây là quận Bắc Từ Liêm được thành lập, để quản lý đô thị hiệu quả trước thách thức “từ làng lên phố”.
Vườn Đào, vườn quất, bãi chuối, nương dâu ven sông ngày nay đã thu hẹp lại, nhiều bến đò ngang đã thay bằng cảng sông, ngày ngày chất dỡ hàng đi về các tỉnh dưới hạ lưu, vượt lên tận Kỳ Sơn (Hòa Bình), Na Hang (Tuyên Quang)…
Chỉ tính khu công nghiệp Bắc Thăng Long mở ra từ năm 1997, tổng diện tích 274ha ven sông, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội đã thu hút trên 61 dự án đầu tư với tổng vốn trên 662,3 triệu USD. Những thôn nữ Nhị Hà ngày xưa là cô hàng chuối, hàng hoa, những “cô Tấm” trồng dâu, nuôi tằm ven bãi, giờ đây trở thành nữ công nhân, viên chức tại các khu công nghiệp.
Dòng Nhị Hà nay ít thấy lũ Tiểu mãn, cũng là do các bậc thang thủy điện trên Sông Đà- Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu điều tiết. Tốc độ dòng chảy cũng giảm đi nhiều, nên sau mùa hạ nước sông Nhị Hà không còn màu phù sa thẫm đỏ. Những người dân bên dòng Nhị Hà đã ý thức được sự tác động môi trường, nên đang cố gắng tạo nếp sống đô thị văn minh, sạch sẽ.
Theo thời gian, cuộc sống của con người thay đổi, môi trường thiên nhiên cũng đổi thay. Dòng Nhị Hà không phải một ngoại lệ. Như nhiều thành phố lớn khác trên khắp dải đất hình chữ “S”, Hà Nội chịu nhiều sức ép phát triển và đang thay đổi với tốc độ chóng mặt; nhưng có một điều chắc chắn rằng, chính quyền và người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến đã, đang, sẽ làm tất cả để Nhị Hà - dòng sông “Mẹ” không chỉ của Hà Nội mà còn của châu thổ sông Hồng Bắc Bộ - mãi là nguồn sống, là nốt nhạc, là vần thơ, nét duyên dáng của một Thủ đô Hà Nội hiện đại.
Bài và Ảnh: TRẦN DANH BẢNG