QĐND Online – Giữa không gian ồn ào với những cảnh mua, bán tấp nập ở khu phố cổ Hàng Đào, Hà Nội những ngày đầu đông, triển lãm “Yếm-nét đẹp trang phục Việt” khai mạc vào ngày 20-11, tại đình Đồng Lạc khiến những người yêu Hà Nội cũng như du khách thập phương như được sống chậm lại để trải nghiệm khung cảnh của Hà Nội xưa, với yếm đào, khung cửi dệt lụa…

Triển lãm nhằm mục đích giới thiệu với người dân Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ về một trong những trang phục cổ trong kho tàng trang phục truyền thống của dân tộc. Từ đó, góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn giá trị trang phục của yếm.

Người phụ nữ xưa trong trang phục áo yếm

Yếm là trang phục không thể thiếu của phụ nữ Việt xưa. Chiếc Yếm giúp người phụ nữ có thể khoe khéo vẻ đẹp hình thể với bờ vai trần thon thả và lưng ong quyến rũ. Vào thế kỷ 18-19, chiếc áo yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét tròn, cổ yếm đính mẩu dây để buộc ra sau gáy. Nếu cổ khoét tròn gọi là yếm cổ, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Bước sang thế kỷ 20, yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Yếm xuất hiện từ bao giờ thì không ai rõ, có thể từ thời rất xa xưa, “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh”.

Yếm có mặt trong cuộc sống của người dân Việt. Màu sắc yếm nói lên khá nhiều về người chủ của nó, người lao động đồng ruộng mặc yếm màu nâu, con gái nhà gia giáo thì mặc yếm nhiều màu trang nhã và kín đáo, màu trắng ngà, người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Kiểu yếm màu sặc sỡ, màu đỏ, cổ khoét sâu thì ít người dùng.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Giang Quân, Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) trước đây là địa điểm để các tiểu thương bán yếm. Ngoài ra, phố này là nơi bán vải tơ lụa, gấm. Triển lãm “Yếm-nét đẹp văn hóa Việt” diễn ra tại nơi đã bán yếm của người Hà Nội xưa khiến cho người xem như được trở lại với quá khứ và “thực mục sở thị” những bức chân dung của các thiếu nữ Hà Thành trong trang phục yếm xưa.

Áo yếm mặc bên trong của người phụ nữ Việt thể hiện nét duyên dáng, kín đáo

“Chiếc yếm của người con gái Hà Nội không giống những nơi khác về chất liệu, màu sắc. Con gái nhà giầu thì mặc yếm bằng lụa, gấm, còn người bình dân may yếm bằng vải thô, cổ chữ V có hai dải yếm dài thắt lên cổ”, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Giang Quân cho biết. 

Trong những ngày hội hè, đình đám, các cô gái trẻ thường mặc yếm đào, yếm hồng, hay yếm thắm, yếm đỏ…khoác bên ngoài là chiếc áo cánh rồi đến áo tứ thân hoặc áo dài mớ ba, mớ bẩy, còn trong các ngày thường họ mặc yếm trắng, yếm nâu… và khoác bên ngoài là chiếc áo nâu giản dị. Trang phục áo yếm sẽ hoàn hảo hơn nếu đi kèm hai chiếc khăn đội đầu: Khăn nhiễu (quấn bên trong) và khăn mỏ quạ (quấn bên ngoài). Trong dịp lễ hội, các cô gái thường trang bị thêm phụ kiện đi kèm là những chiếc nón quai thao và tóc vấn cao.

Khung cửi dệt lụa xưa

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, phố Hàng Đào xưa là chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp, đông đúc người mua, bán nhất ở Thăng Long. Yếm dệt từ chất liệu lụa tơ tằm được ưa chuộng bởi người mặc vừa cảm thấy dễ chịu, thoải mái lại kín đáo. Trong tổng thể bộ trang phục phụ nữ xưa , yếm là áo mặc trong cùng, che chắn và làm đẹp bên trong. Phụ nữ xưa thường tự mua vải may yếm.

Ngày nay, yếm đã được cải tiến, được gọi là áo yếm để dùng cho các em gái mới lớn. Áo yếm dùng mặc trong, có hai dây đeo lên vai thay vì trước đây áo yếm có hai dây buộc quanh cổ và hai dây bên buộc ngang lưng. Một kiểu áo yếm cải biên cũng được mặc ngoài khi trưng diện nhưng số người sử dụng không nhiều vì không phù hợp.

Một số mẫu thiết kế áo yếm trưng bày tại triển lãm

Ca dao xưa có câu “Ước gì sông hẹp một gang, để em bắc cầu dải yếm mời chàng sang chơi”; “Còn non, còn nước, còn người, còn người mặc yếm anh còn say sưa”. Chiếc áo yếm của người phụ nữ xưa giờ không còn nữa nhưng để trang phục truyền thống này không bị rơi vào quên lãng thì cần phải có biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của phụ nữ Việt.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN