Anh Quỳnh từng nhiều lần nhấn mạnh với tôi: “Nếu đi một mình, bạn có thể đi nhanh nhưng khó mà đi xa. Điểm yếu của người Việt là làm việc nhóm. Lúc mới đầu ai cũng hào hứng, muốn được tham gia làm ăn cùng, tiền góp bao nhiêu cũng được nhưng khi chuẩn bị bắt tay vào việc thì không ít người xin dừng cuộc chơi”. Nó giống với chuyện cách đây chục năm, anh Quỳnh cùng nhóm bạn làm hướng dẫn viên du lịch nuôi ý định mở nhà hàng ăn uống. Lúc đầu 11 người vô cùng hào hứng với ý tưởng nhà hàng mang tên Bếp Việt, nhưng khi bắt tay vào việc cụ thể, chỉ còn lại 3 người.

Đúng là khi đó nhuệ khí của anh Quỳnh và những người bạn cũng kém đi. Càng khó khăn, càng thử thách, anh Quỳnh càng muốn thử sức. Bằng nỗ lực của cả nhóm, Bếp Việt khai trương ở địa chỉ 24C Bà Triệu và lập tức trở thành một địa chỉ ẩm thực thu hút khách nhờ những món ăn đậm đà hương vị truyền thống, cùng thái độ phục vụ, dịch vụ chu đáo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Khách đông quá, anh Quỳnh và nhóm bạn mạnh dạn mở thêm cơ sở nữa tại 13-15 Ngô Thì Nhậm, nhưng nơi này cũng không đáp ứng được các đoàn khách lớn. Cuối cùng, nhóm anh Quỳnh quyết định "chơi lớn", chuyển nhà hàng Bếp Việt về số 7 Ngõ Huế.

leftcenterrightdel
 Nhà hàng Bếp Việt ở số 7 Ngõ Huế - địa chỉ ẩm thực của Thủ đô.

Lý giải vì sao nhiều nhà hàng mở ra rồi sớm phải dẹp tiệm dù địa điểm rất đẹp, giá cả phải chăng, anh Quỳnh cho biết: “Khi kinh tế-xã hội phát triển, ẩm thực cũng theo dòng chảy mà được coi trọng. Từng làm hướng dẫn viên du lịch trong thời gian dài, dẫn những đoàn khách lớn của Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật Bản... tôi hiểu được những mong ước nhỏ bé, thầm kín của du khách khi đặt chân đến Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu về ẩm thực. Cá nhân tôi cho rằng để du lịch Thủ đô thu hút du khách, ngoài các yếu tố của điểm đến như cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người thì ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa tính khác biệt của điểm đến. Chính vì vậy, tôn chỉ của Bếp Việt là: “Quảng bá du lịch-kết nối du khách 5 châu bằng văn hóa ẩm thực Việt”.

Khách trong và ngoài nước đến với Bếp Việt không chỉ được thưởng thức món ăn ngon của các vùng miền, đồ Âu-Á mà còn được bếp trưởng nhà hàng dẫn đi chợ chỉ cho cách chọn mua nguyên liệu, từ rau, củ, quả cho đến hải sản, cách lựa cá hồi Na Uy, thịt bò Kobe, cua Alaska. Sau đó, nếu có nhu cầu, khách hàng có thể vào bếp tự tay chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của đội ngũ nhà bếp. Anh Quỳnh tổng kết: “Khách nước ngoài rất thích những trải nghiệm trên, đặc biệt họ thích đi chợ đêm, thích được nghe về tích các món ăn. Họ cũng rất hay hỏi vì sao lại phải chấm với mắm nêm, mắm tép chứ không phải với nước mắm, kho quẹt. Khi chúng tôi chăm sóc chu đáo, giải thích cặn kẽ cho du khách mọi vấn đề thì khách hàng cảm thấy đồng tiền họ bỏ ra cho chuyến đi, cho những trải nghiệm là xứng đáng và chúng tôi luôn biết trước là khách hàng sẽ quay trở lại”.

Bài và ảnh: KHOA MINH