Bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân mở cửa tự do vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Khách tham quan có thể kết hợp chiêm ngưỡng những bức tranh trong Bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm-người bạn và cũng là con rể của nhà văn Nguyễn Tuân. Người có công gây dựng cả hai bảo tàng là con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân-họa sĩ Nguyễn Thu Giang. Bà không chỉ lưu giữ cẩn thận mà còn sắp xếp không gian trong bảo tàng để khiến như người ta có cảm tưởng nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân không có nhà, đang đi dạo quang hồ Thiền Quang gần đó như thói quen của nhà văn lúc sinh thời.

leftcenterrightdel
 Những tác phẩm nghệ thuật về chân dung Nguyễn Tuân.
Người ta hay nói đọc văn có thể đoán được người. Thực ra không hẳn vậy, bởi văn chương là hư cấu nên không nhất thiết những gì nhà văn viết thể hiện con người ngoài trang giấy. Cũng vì thế nếu đọc văn Nguyễn Tuân mà thấy ông sành sỏi, cầu kỳ trong đời sống với các thú ăn chơi thì khách tham quan hẳn sẽ ngạc nhiên nếu đến nơi ông từng sống. Ông là người có lối sống đơn giản, thể hiện nơi ở của ông: Giá sách, phản gỗ, những bức tranh và ảnh của các nghệ sĩ bậc thầy tặng Nguyễn Tuân.

Nhìn giá sách của nhà văn Nguyễn Tuân, có rất nhiều cuốn sách có chủ đề không phải văn chương. Âu cũng dễ hiểu vì Nguyễn Tuân mê đọc, đọc các ngành khác để có nhiều kiến thức phục vụ cho những truyện ngắn, tùy bút tài hoa. Chỉ riêng các tác phẩm viết về Hà Nội thật khó quên nếu ai đã đọc. Các thú chơi xưa của các nhà Nho như uống rượu, uống trà, thả thơ… được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả từ cái nhìn đầy hoài niệm hướng về quá khứ trong tập “Vang bóng một thời”. Rồi sau này, chỉ cần tùy bút “Phở” đã thâu tóm những gì cần biết và cả cách thưởng thức món phở thơm ngon. Hoặc vi mô hơn, chỉ cần hai chữ “Phố Phái” là cả một dòng tranh vẽ phố cổ Hà Nội đặc sắc của danh họa Bùi Xuân Phái được định danh.

Sinh động hơn cả là những bức tranh, ảnh tượng của các nghệ sĩ như: Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Hoàng Kim Đáng… lấy Nguyễn Tuân làm “người mẫu”. Đó là những hiện vật biết nói thể hiện tình bạn chân thành của Nguyễn Tuân với giới văn nghệ sĩ lúc một thời đất nước khó khăn.

Một hiện vật mà chúng tôi để ý là chiếc va li nâu được đặt trên giá sách. Không biết chiếc va li đã từng với nhà văn ưa xê dịch Nguyễn Tuân đi những đâu ở trong nước lẫn xứ người. Đi không chỉ để đi, đi để ngẫm và viết. Những trang viết ở những miền đất lạ, Nguyễn Tuân đều thể hiện sự tài hoa trong miêu tả, dụng chữ. Người ta đánh giá Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ kể cũng  không quá lời khi ông làm giàu có tiếng Việt với những từ ngữ mới mà nay đã thành phổ thông như chữ “huyện đảo” khi viết về Cát Bà.

Khó có thể đòi hỏi một bảo tàng tư nhân do một người gây dựng và quản lý phải hoành tráng, có video phụ trợ, thuyết minh tự động… Đến Bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân là dịp để hiểu thêm, yêu thêm về cuộc sống đằng sau trang viết của một nhà văn tài hoa. 

Bài và ảnh: MỘC LAN