Những loại hình diễn xướng dân gian có thể kể đến như: Chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, ca trù, hát xoan, tuồng, hát trống quân, bài chòi, cải lương… Trong thực tế, tại Hà Nội đã có khá nhiều nhà hát, nhiều chương trình đã tạo được dấu ấn, thương hiệu của mình. Các chương trình diễn xướng dân gian được biểu diễn phổ biến tại các điểm du lịch, hay các sân khấu nhỏ trong các di tích.
Một trong những không gian ghi dấu ấn bởi loại hình nghệ thuật này phải kể đến không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn có một quảng trường vốn là vườn hoa Trịnh Công Sơn được quận Tây Hồ bố trí làm sân khấu chính - vị trí trung tâm của phố đi bộ. Tại đây, vào cuối tuần, phố đi bộ hoạt động với các sinh hoạt văn hóa, tinh thần đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, có các nhóm nhạc dân tộc, hát xẩm, nhạc đồng đội, nhạc trẻ, biểu diễn ảo thuật… Diễn xướng dân gian đã tạo nên nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không thể trộn lẫn với một số tuyến phố đi bộ hay chợ đêm ở các địa phương khác.
|
|
Một hoạt động diễn xướng dân gian trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). |
Phố Cổ Hà Nội cũng là nơi diễn ra nhiều loại hình diễn xướng dân gian. Hầu như năm nào Ban Quản lý Phố Cổ cũng tổ chức các hoạt động diễn xướng dân gian như: Múa sư tử; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng đưa vào biểu diễn thử nghiệm chương trình “Hoàng thành - Diễn xướng dân gian” tại Hoàng Thành Thăng Long, mang đến cho du khách tham quan Thủ đô một “món ăn tinh thần” thực sự hấp dẫn.
Chị Nguyễn Phương Châm-một khách du lịch đến từ Bắc Kạn cho biết: “Tôi rất thích xem hát quan họ ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Không gian ở đây khá tĩnh lặng so với chợ đêm hay phố đi bộ khác cho nên khi xem hát quan họ, hát chèo và một số loại hình diễn xướng khác cảm thấy rất thú vị. Đặc biệt, khách đến đây còn được tương tác với các nghệ nhân. Tôi vẫn nhớ một lần xem hát quan họ còn được các nghệ nhân mời ăn trầu”.
Theo TS Trịnh Lê Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), diễn xướng dân gian là một phần quan trọng cấu thành nên nghệ thuật dân gian. Từ đó, bước đi của diễn xướng dân gian thành nghệ thuật công cộng trở nên gần gũi hơn. Bản thân nghệ thuật dân gian là kết tinh trí tuệ của cộng đồng từ xa xưa và thường được trình bày trong không gian của cộng đồng tạo nên nó.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI