Tồn tại qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nằm bên bờ nam sông Hồng có một ngôi làng cổ, có tên Nôm là Chèm - nay thuộc địa phận phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Vùng đất này không chỉ là miền quê yên bình, với những thuần phong mỹ tục được người dân truyền đời tiếp nối, gìn giữ từ bao đời, mà mỗi tên đất, tên làng nơi đây còn in đậm dấu tích lịch sử, nhắc nhở thế hệ con cháu biết ơn những vị thành hoàng làng, đã có công dựng làng và bảo vệ quê hương. 

Tại ngôi làng cổ ấy, có đình Chèm, nằm bên sông Hồng với vị trí địa lý đắc địa - một điểm tựa tâm linh và là niềm tự hào của người dân trong vùng - là một trong những ngôi đình cổ, có kiến trúc bề thế vào bậc nhất của vùng đất Thăng Long kinh kỳ và của Việt Nam. Đình Chèm vừa được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25-6 vừa qua. 

Theo những ghi chép trong cuốn sách “Di sản Hán-Nôm Đình Chèm”, lịch sử phát triển của Đình Chèm có liên quan mật thiết tới Đức Hy Khang Thiên vương Lý Ông Trọng-danh tướng và nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. 

Những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách cho biết, Đình Chèm được dựng cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX, cách nay hơn 1.200 năm. Đình Chèm xưa được gọi là đền Ông Trọng. Đình nằm ở hạ lưu sông Hát Giang, sông Hồng và thượng du sông Nhuệ, nơi từng là chốn tấp nập, “trên bến, dưới thuyền” của đất Thăng Long kinh kỳ.

leftcenterrightdel

 

leftcenterrightdel

Đình Chèm nằm ngay cạnh Sông Hồng, bên bến phà Chèm.

Theo các cụ cao niên trong làng và trong bản ghi chép về thần tích đình Chèm, Đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, tức Lý Thân, sinh vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Tương truyền, thuở nhỏ, Lý Thân là một cậu bé khôi ngô, lớn lên lại có tầm vóc cao lớn lạ thường, văn giỏi, võ tài, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Thời bấy giờ, giặc bốn phương thường đến quấy nhiễu. Vua Hùng cầu cứu người tài đức ra cứu nước. Lý Thân được quan dân tiến cử, sau đó, dẹp tan giặc, lập nhiều công lớn. Rồi nước Văn Lang lại bị quân nhà Tần xâm lược, Lý Thân hợp sức với Thục Phán cùng chống cự hàng chục năm trời mới thắng giặc. Thục Phán lên thay Hùng Duệ Vương, lấy hiệu là An Dương Vương.

Lúc bấy giờ, biên cương nhà Tần thường bị Hung nô quấy phá, Tần Thủy hoàng sai đắp Vạn lý trường thành mà vẫn không ngăn nổi, bèn sai sứ giả đến Cổ Loa cầu An Dương Vương, An Dương Vương đã cho mượn tướng tài để tạo mối bang giao giữa hai nước. Vua Thục cử Lý Thân sang giúp.

Thắng trận khải hoàn, Vua Tần gả công chúa và phong tước Phụ Tín Hầu nhưng ông vẫn một lòng hướng về quê hương nên đã xin vua Tần cho về nước. Sau khi ông qua đời, nhà vua sai lập đình thờ và phong tặng 4 chữ "Thượng đẳng Thiên vương" để tưởng nhớ công đức của ông, dân làng đã lập đền thờ.

leftcenterrightdel
Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Một trong những di vật quý tại Đình Chèm là bức tượng lớn của Thượng đẳng Thiên vương và bức tượng công chúa nước Tần Hoàng phi Bạch tĩnh Cung được thờ phụng trong hậu cung. Ngoài ra, trong đình vẫn còn rất nhiều cổ vật khác như lư hương bằng đồng ngàn năm tuổi rất quý hiếm, những bức hoành phi, câu đối mang đậm tính nghệ thuật đặc sắc vẫn được lưu giữ từ nhiều thế kỷ qua... Đặc biệt, hệ thống máng nước bằng đồng thau chưa có ở đâu; trên máng có dòng chữ Hán ghi niên đại Cảnh Hưng và Cảnh Thịnh.

Theo ông Lê Văn Hiệu, Thủ từ đình Chèm, đây là một trong những ngôi đình cổ nhất còn tồn tại gần như nguyên vẹn ở Việt Nam. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

leftcenterrightdel

 

leftcenterrightdel

Kiến trúc phần mái uốn cong đúng theo lối kiến trúc đền chùa cổ của Việt Nam.

Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18). 

Từ đó đến nay, đình đã qua nhiều lần trùng tu, mở rộng. Theo văn bia ghi tại đình và dòng chữ Hán ghi tại thượng lương thì hậu cung được xây dựng từ năm Long Đức thứ 3 (1631), rồi trùng tu năm Quang Trung thứ 5 (1792) và năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793). Vào năm 1903, đình được nâng lên cao thêm 2,4m chỉ bằng các phương tiện thủ công. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được nâng lên cao ngang với mặt đê sông Hồng.

leftcenterrightdel
Lễ rước nước tại lễ hội đình Chèm năm 2018.

Lễ hội Đình Chèm hiện nay là lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16-5 âm lịch, trong đó ngày 15 là chính hội. Hội Chèm gồm nhiều hoạt động như lễ Mộc Dục (tắm Phật), rước nước, rước văn, rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn  hát quan họ, chèo, hội thi bơi, hội vật, chọi gà, thả chim bồ câu... Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn, mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của đức thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương bắc; nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu cho mưa thuận, gió  hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng. Những ước mong ngàn đời ấy được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện vẻ đẹp tinh thần của người nông dân Việt Nam, truyền thống uống nước nhớ nguồn và những ước vọng cao đẹp trong cuộc sống.

Bất cứ người Việt Nam nào cũng có một miền quê để thương nhớ, một ngôi đình thiêng liêng tìm về mỗi dịp hội làng. Bao đời nay, lịch sử và vẻ đẹp cổ kính của đình Chèm vẫn được bao thế hệ con dân trong làng truyền tụng. Ngôi đình như một nhân chứng phản ánh sâu sắc, sinh động nhất đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Nằm trong không gian "trên bến, dưới thuyền", bên hữu là núi Tam Đảo, bên tả là núi Ba Vì, cả một khoảng mênh mông tạo nên một vị thế hùng tráng. Ngôi đền sừng sững trong hơn 1.000 năm, bên bờ sông Hồng, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vừa đại diện cho một vùng quê văn hiến, vừa là biểu tượng cho sự trường tồn của lịch sử và tín ngưỡng dân gian.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN