Chiếc nón lá vừa mộc mạc vừa mong manh, duyên dáng không chỉ là vật dụng che mưa che nắng, mà còn chứa đựng cả một kho tàng lịch sử, văn hóa của người Việt.
Làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng với nghề thắt nón lá, được cả nước biết đến với câu nói: “Muốn ăn cơm trắng cá mè, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Nghề thắt nón đã có từ lâu và là nghề truyền thống của làng. Nón lá làng Chuông bền và chắc, màu trắng đục. Nếu thấy nón lá mà vành nón được nức bằng cước màu đỏ thì đó chính là nón lá làng Chuông.
Những nghệ nhân thắt nón làng Chuông tỉ mỉ bên từng chiếc nón.
Nguyên liệu chính làm nón là lá cọ. Người làng Chuông phải cất công vận chuyển lá cọ từ những cánh rừng ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình về làng Chuông để làm nón.
Cái quý giá của nón lá làng Chuông là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ra nó. Để hoàn thành một chiếc nón thành phẩm, người thợ làm nón phải trải qua nhiều công đoạn như rẽ lá, là lá, bứt vòng, quay nón, dán nón, khâu nón, sửa nón hoặc nứt nón, lồng nhồi, quang dầu. Quang dầu là khâu cuối cùng làm cho nón bóng đẹp hơn trước khi đưa ra thị trường.
Theo những nghệ nhân thắt nón trong làng thì công đoạn làm lá là công đoạn vất vả khó khăn nhất, tốn nhiều công sức nhất trong nghề làm nón lá, bởi vẫn phải làm thủ công để lá không bị dập rách. Lá cọ được người thợ dùng chân khéo léo vò trong cát khô có sỏi, đảo qua đảo lại đến khi nào lá mềm và đầu lá xoăn lại, mình lá tẽ ra mới đạt được chuẩn. Người làm lá rất vất vả, nắng quá hay mưa quá lá đều không đẹp, nắng quá thì lá sẽ bị đỏ, ra nón thành phẩm sẽ không được bóng đẹp. Phơi lá cũng phải cực kỳ cẩn thận, lúc phơi phải tách lá tươi, lá cọ từ màu xanh sau quá trình phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ dần chuyển thành màu trắng.
Người làng Chuông ai ai cũng có thể làm công đoạn rẽ lá vì đây là công đoạn dễ nhất. Một chiếc nón lá đẹp thì điều kiện đầu tiên là lá phải phẳng, nên người thợ phải ủi lá. Họ dùng khăn nhúng nước hơ trên lửa cho nóng rồi mới ủi lá. Để chiếc nón cân đối thì người làm nón phải sử dụng chiếc khung gỗ có 8 gọng, trên mỗi gọng có 16 khấc đều nhau để đặt các vòng nón. Vòng nón được làm bằng những thanh tre cật vót tròn nhẵn và đều, các vòng tròn nhỏ dần đến chóp tạo ra khung nón, thường mỗi nút buộc dùng mây để buộc chắc chắn.
Nếu thấy nón lá mà vành nón được nức bằng cước màu đỏ thì đó chính là nón lá làng Chuông.
Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất vì nó quyết định đến độ tròn và chắc của nón. Nón làng Chuông trông đơn giản nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ. Một chiếc nón đẹp thì đầu tiên cỗ vòng phải tròn, thứ hai là dây lá phải phẳng và trắng, thắt nón phải nhẵn và mau.
Quay nón là công đoạn xếp lá lên khung, là công đoạn xử lý thô cuối cùng cho chiếc nón. Các tập lá được xếp lại cắt vát một đầu rồi dùng ghim cố định lại trên chóp nón, sau đó bắt đầu quay lá, nhìn thì đơn giản nhưng người thợ khâu nón luôn phải làm việc rất cẩn thận. Quay nón và khâu nón là hai quy trình đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của nghề làm nón. Thời gian khâu khoảng 4 tiếng cho một sản phẩm. Ngày xưa người ta thường khâu móc, khâu dừa, giờ khâu bằng cước. Khâu phải đều mũi và nhẵn, không lộ chân kim thì chiếc nón mới đẹp.
Sản phẩm nón làng Chuông chủ yếu phục vụ người dân miền Bắc. Khác với sản phẩm nón Huế, nón làng Chuông có hai lớp dày dặn hơn. Nón làng Chuông ngoài nón trơn cũng có nón cách điệu, phía bên trong nón có một lớp bóng và trang trí hoa. Ngoài nón lá phổ thông thì sản phẩm nón làng Chuông còn có nón lá già. Bác Phạm Thị Vượng, năm nay 56 tuổi, là nghệ nhân thắt nón lá già cho biết: Nón lá già chủ yếu phục vụ người già và những người đi làm ruộng vì nó thường bền chắc hơn.
Bác Phạm Thị Vượng là nghệ nhân thắt nón lá già của làng Chuông.
Làng Chuông hàng tháng có 6 phiên chợ. Vào những ngày phiên chợ họp người ta thường thấy những chồng nón trắng cao gần bằng người và tất cả những nguyên liệu làm nón được bày bán khắp sân đình. Chiếc nón đã trở thành những ký ức không thể quên trong lòng những người con xa xứ.
Gia đình bác Xuân Thêm, thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội là nơi tập hợp khoảng 10 nghệ nhân làm nón, các bác đều có khoảng 20 năm thâm niên làm công việc này. Khi được hỏi một chiếc nón như thế nào thì được cho là đẹp, bác Thêm bộc bạch: Nón đẹp là nón thắt mau, nhẵn, không nhìn thấy chân kim. Đối với người dân làng Chuông, nón là niềm tự hào, họ dồn hết tâm huyết vào nón, nón là cơ nghiệp, là huyết mạch. Thế hệ trẻ ở làng Chuông đều biết làm nón, nhưng do nghề làm nón cần sự nhẫn nại, kiên trì, xong giá thành sản phẩm lại không cao nên nhiều bạn trẻ đã không thể theo đuổi với nghề. Ngoài ra, địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nghề hoặc tìm đầu ra tốt cho sản phẩm nên nón làng Chuông vẫn chỉ dừng lại ở bán nhỏ lẻ.
Bác Xuân Thêm mong nghề thắt nón của làng Chuông có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm vẫn tranh thủ thời gian rỗi để đan nón.
Do giá thành rẻ nên giờ đây người làng Chuông cũng ít người còn thắt nón. Chị Nguyễn Thị Tâm, giáo viên trường tiểu học Phương Trung dù đi dạy nhưng hễ có thời gian rỗi là chị lại tranh thủ thắt nón. Cũng có những cụ già nay đã ngoài 80 nhưng vẫn cần mẫn với nghề, họ đều mong muốn nghề làm nón không bị thất truyền.
Nghề làm nón yêu cầu sự công phu, cần mẫn và sự nhiệt huyết. Một người thợ lành nghề làm cần cù một ngày có thể cho ra thành phẩm từ 1 dến 2 chiếc nón. Vì vậy, những người dân làng Chuông tâm huyết với nghề nón như bác Xuân Thêm hay chị Tâm luôn mong rằng địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho những nghệ nhân thắt nón tìm được cơ hội phát triển tốt hơn, gìn giữ nghề thắt nón cho các thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN