“Không chỉ là ngôi đền cổ nhất Hà Nội, mà đây còn là ngôi đền hiếm hoi chúng ta biết cụ thể được niên đại khởi dựng, ấy là vào 866. Tính đến nay, ngôi đền đã được 1154 tuổi, mang trong mình giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt” – Đây chính là lời nhận định của nhà sử học Lê Văn Lan khi tham gia buổi tọa đàm khoa học về “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã” diễn ra đầu tháng 10 vừa qua. Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, xung quanh ngôi đền có rất nhiều câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại, song tất cả đều cùng nhau phác họa một bức tranh toàn cảnh về lịch sử, về văn hóa của đất nước, của dân tộc.

leftcenterrightdel
Tọa lạc giữa trung tâm khu phố cổ Hà Nội, đền Bạch Mã là một trong Tứ trấn, trấn giữ phía Đông của Kinh thành Thăng Long.

Đền Bạch Mã xưa kia thuộc địa dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một con phố nhỏ nhưng buôn bán tấp nập của thủ đô. Trải qua hơn một nghìn năm lịch sử, ngôi đền đã được tu bổ nhiều lần, nhưng vẫn luôn là chốn thiêng với cảnh quan tôn nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy. Theo GS, TS, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Trần Lâm Biền: “Con người khi tìm đến một công trình tín ngưỡng nào đó thường mong muốn được hưởng phúc từ nơi ấy. Ở đền Bạch Mã, nơi giữ được rất nhiều yếu tố kiến trúc cổ truyền: Mái là tầng trời, đất là phía dưới, con người ở giữa được hưởng hạnh phúc ấy. Đặc biệt, gần như không còn đền chùa nào giữ được một thứ quan trọng như ở đền Bạch Mã, đó là huyệt thông âm – chính là cái giếng ở phía bên phải đền. Thông thường đình, đền, chùa cổ mà có giếng thì giếng thường nằm phía bên phải theo quan điểm tả dương hữu âm, và giếng huyệt chính là âm”.

Quả thật, hiện tại đền có quy mô kiến trúc lớn nhưng vẫn giữ được nhiều yếu tố cổ xưa. Mở cửa bước vào là phương đình được tôn tạo từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – khi chỉ còn 4 cột và 2 tầng 8 mái. GS, TS Trần Lâm Biền cũng cho biết, kiến trúc ngôi đền được xây dựng từ thời Nguyễn. Những bộ cánh cửa và nhiều hiện vật khác tại đây hội lại thành tập hợp một trong những di tích điển hình của nghệ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt, bộ cánh cửa và bộ cửa thờ trong hậu cung là những hiện vật cực kỳ hiếm. Tôn tượng tại đền cũng cho thấy đỉnh cao nghệ thuật của các nghệ nhân xưa. Những nét chạm trổ tinh xảo, ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ nét tư duy nông nghiệp và chủ yếu gắn với ý nghĩa cầu phúc. Theo GS, TS Trần Lâm Biền: “Khi nghiên cứu giá trị văn hóa lịch sử của đền Bạch Mã, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở một tượng thần, mà cần nghiên cứu nghệ thuật của những bức tượng khác. Chẳng hạn, cá nhân tôi thấy tượng hai ông Phỗng tại đền là đẹp nhất trong số các tượng Phỗng ở Việt Nam. Và trong đền cũng còn đầy mảng chạm mang dấu tích của người Hoa, mà người Việt đã chọn những mẫu đẹp nhất của người Hoa để đưa vào di tích này, ví như đường vào hậu cung có 2 bức phù điêu mang đậm dấu ấn của người Hoa: một bên là lân, một bên là công rất đẹp”.

Chính điện thờ những vị thần được nhân dân tôn vinh, gắn với truyền thống. Không thể phủ nhận, sự hội nhập thần linh vào di tích không phải hiếm. Tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung, có nhiều di tích thờ đa thần nhưng thờ độc thần thì ít, đền Bạch Mã là một trong số ít đó. Nơi đây thờ chính duy nhất một vị thần, một Bạch Mã. Các huyền thoại, truyền thuyết về Thần Long Đỗ (Rốn Rồng) hay thần Bạch Mã mang nhiều màu sắc phong phú, song lại giúp chúng ta tìm hiểu được cốt lõi văn hóa đương thời. Theo truyền thuyết, Ngựa đi từ Đông sang Tây, rồi lại từ Tây sang đông, giống như cách vận động của mặt trời. Theo đó, có thể ngầm hiểu Bạch Mã biểu tượng cho mặt trời, mà biểu tượng Mặt trời lại gắn với nguồn sinh khí vô biên mang đến cuộc sống hạnh phúc cho con người. Bởi vậy vai trò của đền Bạch Mã là vô cùng lớn trong đời sống tinh thần của người Việt cũng như trong văn hóa của dân tộc.

Tuy đền Bạch Mã vẫn đang trong quá trình tu bổ và hoàn thiện nhưng đây vẫn luôn là chốn tâm linh linh thiêng của người dân thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Với các giá trị về văn hóa, lịch sử, ngôi đền đang được kiến nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng “Di tích Quốc gia Đặc biệt”.

Bài và ảnh: THÙY LINH