Trong đó, có thể kể tới cụ Hoàng Nguyễn Thự từng làm quan dưới triều Tây Sơn đến chức Hình bộ Tả thị lang, tước Thuận Đình hầu; cụ Hoàng Tế Mỹ quản Hàn lâm viện năm 1848 dưới thời vua Tự Đức và sau khi mất được truy tặng Lễ bộ Thượng thư; cụ Hoàng Tướng Hiệp làm Tuần phủ Tuyên Quang năm 1882 và sau khi mất được truy tặng Lễ bộ Thượng thư; Phó bảng, nhà yêu nước Hoàng Tăng Bí, người tham gia thành lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, làm trợ bút của Báo Trung Bắc Tân Văn...
|
|
Thế hệ thứ tám của dòng họ Hoàng tại Đông Ngạc. |
Để hiểu hơn về họ Hoàng, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Trung Kiên, đời thứ tám của dòng họ Hoàng tại Đông Ngạc vào một buổi chiều muộn. Bên ly trà ấm, ông Kiên đã kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về dòng họ Hoàng. Ông chỉ dẫn: “Kia là từ đường nhà họ Hoàng chi ba ngành trưởng có niên đại hơn trăm năm. Phía xa là căn nhà của cụ Hoàng Tướng Hiệp được vua Duy Tân truy tặng, còn vợ chồng tôi ở bên này”. Cuốn "Danh nhân Việt Nam" trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết, cụ Hoàng Tướng Hiệp là đồng niên, đồng tuế với Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Cụ được vua Duy Tân truy tặng nhà theo kiến trúc Huế và cho chở ra Hà Nội theo đường thủy. Tôi thấy mừng khi gia đình ông Kiên vẫn giữ gìn được vẹn nguyên ngôi nhà cổ, từ đường, không gian vườn tược mang khung cảnh của làng quê Bắc Bộ xưa. Hiếm có ai được như vợ chồng ông. Tuổi hưu trí ngày ngày được thưởng trà xung quanh những di tích, nghe chim hót, xem hoa nở mà lòng thấy thảnh thơi giữa Hà Nội phồn hoa.
Khi được hỏi về lịch sử dòng họ Hoàng, ông Hoàng Trung Kiên cho biết: “Dòng họ Hoàng có nguồn gốc từ Bắc Ninh. Đến đời cụ Hoàng Nguyễn Thự đã đến Đông Ngạc học chữ và từ đó an cư tại đây. Nếu tính dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc thì tôi là đời thứ tám. Còn tính gốc gác họ Hoàng thì tôi là đời thứ 15 rồi”. Để giúp tôi hiểu rõ hơn về họ Hoàng, ông Kiên đã cho tôi xem phả đồ của dòng họ. Nhìn vào gia phả, không khó để tôi nhận ra những nhân vật nổi tiếng. Đó là nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí; nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam Hoàng Thị Nga; nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới có GS, TS Hoàng Vĩnh Giang; GS, TS Hoàng Thủy Nguyên; GS, TS Hoàng Thủy Long.... Cầm trên tay tờ gia phả, tôi thầm nghĩ, họ Hoàng thật xứng với danh xưng “danh gia vọng tộc”.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của tiền nhân, con cháu họ Hoàng ngày nay cũng đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập và công việc. Ông Hoàng Trung Kiên nguyên là Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội; vợ của ông là bà Phạm Thị Minh Tâm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ... Thế hệ đời thứ chín của họ Hoàng: Hoàng Tuấn Vũ, Hoàng Minh Đức đều là cựu du học sinh xuất sắc, hiện đang thành đạt trong công việc; em Hoàng Ngọc Anh, thủ khoa đầu ra xuất sắc của Học viện Tài chính, được vinh danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2015; hay Hoàng Tuấn Nghĩa từng đoạt giải ba cuộc thi Toán quốc gia...
Những năm qua, họ Hoàng rất quan tâm đến phong trào khuyến học của dòng họ. Nhiều con, cháu công thành danh toại, dù ở xa vẫn không quên được nguồn cội xưa. Bà Phạm Thị Minh Tâm chia sẻ: “Hằng năm, vào mồng 3 Tết là con cháu họ Hoàng ở khắp nơi đều trở về từ đường tụ họp. Dù là người đang định cư ở nước ngoài, người có công việc làm ăn xa xôi nhưng tất cả đều nhớ đến ngày của dòng họ như một thông lệ. Trong ngày này, ngoài việc ôn lại kỷ niệm, phát huy truyền thống dòng họ, chúng tôi còn tổ chức trao thưởng, động viên các con, cháu có thành tích tốt trong học tập và công việc. Thế hệ hôm nay không ngừng học tập, rèn luyện để xứng đáng là một thành viên trong dòng họ Hoàng”.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG