Sinh năm 1934 tại Hà Nội, Ngô Mạnh Lân đến với mỹ thuật từ rất sớm. 17 tuổi, ông tham gia khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam trên núi rừng Việt Bắc, do danh họa Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Mang trong mình tâm hồn bay bổng, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã có những năm tháng không quản gian khổ đi theo kháng chiến, rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng chính là quãng thời gian để chàng họa sĩ trẻ có những trải nghiệm, gom góp, tích lũy để rồi sau này cho ra đời những tác phẩm ký họa chiến tranh nổi tiếng phản ánh cuộc sống, chiến đấu hào hùng của dân tộc qua các tác phẩm: “Bộ đội”, “Nữ dân quân”, “Mặt trận Ðiện Biên Phủ”, “Chuẩn bị đánh đồn A1”...

leftcenterrightdel
Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân.Ảnh: THIÊN KIM 

Sau khi hòa bình lập lại (từ năm 1956-1962), Ngô Mạnh Lân được Nhà nước cử theo học tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK), Khoa Họa sĩ-Đạo diễn phim hoạt hình. Cuộc đời nghệ thuật của ông từ đó đã chuyển sang một ngã rẽ nhỏ-phim hoạt hình. Với họa sĩ Ngô Mạnh Lân, phim hoạt hình như một thứ tình yêu cứ ngấm dần, ngấm dần rồi làm ông mê mẩn lúc nào không hay. Ngô Mạnh Lân trở về nước với tấm bằng đỏ và được phân công làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Lúc này, ngành hoạt hình của Việt Nam đang còn chập chững, chỉ có vài bộ phim ngắn ra đời như: “Đáng đời thằng cáo” (1960) thể loại phim vẽ; rồi đến bộ phim cắt giấy “Con một nhà” (1961-đạo diễn Trương Qua) và phim búp bê “Chú thỏ đi học” (1962-đạo diễn Nguyễn Tích). Từ những bước đi chập chững của ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam non trẻ ấy, Ngô Mạnh Lân đã cần mẫn xây lên những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đạo diễn của mình, bằng bộ phim vẽ “Một ước mơ”. Một trong những bộ phim khẳng định tài năng, phong cách làm phim ấm áp, dung dị mà không kém phần hấp dẫn của Ngô Mạnh Lân là “Mèo con” (dựa theo truyện ngắn “Cái Tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi). Bộ phim được Ủy ban Văn hóa đối ngoại gửi đi tham dự Liên hoan phim quốc tế Rumani năm 1966 và giành giải Bồ nông bạc trong sự bất ngờ của chính tác giả. Một tác phẩm nữa đánh dấu sự nghiệp đạo diễn phim hoạt hình của đạo diễn Ngô Mạnh Lân là “Chuyện ông Gióng”-một bộ phim đã phát huy vốn hội họa và lịch sử, văn hóa dân tộc, được khán giả quốc tế đón nhận nồng nhiệt cùng Giải thưởng Bồ câu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzik (CHDC Đức) năm 1971.

Trong hành trang những năm tháng đạo diễn phim hoạt hình, ngoài hai giải quốc tế, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân còn nhận được những giải Bông sen vàng và Bông sen bạc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam với những bộ phim “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Rừng hoa”, “Trê và Cóc”... Với những thành công trong sáng tạo nghệ thuật, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) năm 1997, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Có thể thấy, Ngô Mạnh Lân làm phim ở nhiều thể loại và ông đã tạo được một phong cách cho riêng mình. Ở đó có sự độc đáo thuộc về bản sắc dân tộc trong những bộ phim truyền thuyết, cổ tích; có cái khoa trương mà thâm thúy trong những bộ phim mang tính triết lý phê phán dành cho người lớn; có nét tươi vui, hóm hỉnh trong những phim đồng thoại... Khi được hỏi về cái duyên với hoạt hình cho trẻ con, NSND Ngô Mạnh Lân chia sẻ: “Bước vào nghề rồi gắn bó với nghề tôi hiểu rằng, đồ họa cho thiếu nhi phù hợp với tạng của mình. Tôi yêu sự hồn nhiên, trong trẻo của con trẻ. Cuộc đời tôi, nghệ thuật của tôi luôn muốn thể hiện những ước mơ thơ trẻ”.

Nay đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng PGS, TS, họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, ông vẫn làm sách, vẫn viết nghiên cứu, vẫn tỉ mẩn vẽ, vẫn luôn đau đáu cho sự phát triển phim hoạt hình nước nhà.

CHÂU XUYÊN