Vừa cẩn thận sửa nguội sản phẩm đỉnh thờ vuông, ông Đinh Văn Bình, người có 40 năm kinh nghiệm đúc đồng, nói: “Đây là cơ sở duy nhất còn giữ và kế thừa những tinh hoa hơn 400 năm lịch sử nghề đúc đồng làng Ngũ Xã”.
Theo ông Đinh Văn Bình, xưa nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là một trong 4 nghề tinh hoa nhất của đất Thăng Long. Bởi thế, người xưa có câu: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã". Để chế tạo ra sản phẩm từ đồng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ làm khuôn, đúc, sửa nguội, chạm, đánh bóng, lấy màu. Mỗi công đoạn đòi hỏi tay nghề cao và khâu nào cũng rất quan trọng.
Là người nắm rõ lịch sử phát triển của nghề đúc đồng Ngũ Xã, ông Đinh Văn Bình cho rằng, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm từ đồng được làm từ nhiều địa phương khác nhau. Tuy nhiên, các sản phẩm đồng được làm ra từ cơ sở đúc đồng Hoa Mai có giá trị cao, là thương hiệu được nhiều người tin dùng. Cơ sở đúc đồng Hoa Mai hiện có khoảng 30 thợ đúc đồng lành nghề. Người có kinh nghiệm nhất đã 40 năm theo nghề, người mới làm cũng có 5 năm gắn bó. Đời sống của thợ đúc đồng tại đây không ngừng được cải thiện, cơ sở luôn có nhiều đơn đặt hàng.
|
|
Ông Đinh Văn Bình tỉ mỉ sửa nguội sản phẩm đồng. |
Để có một cơ sở đúc đồng vừa tạo công ăn việc làm cho người thợ, vừa giữ gìn nghề truyền thống của cha ông cần phải kể đến công lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, chủ cơ sở đúc đồng Hoa Mai. Theo chỉ dẫn của ông Đinh Văn Bình, tôi tìm đến nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tại phố Trấn Vũ (quận Ba Đình). Ấn tượng đầu tiên của tôi là nhà ông Ứng được sơn màu sắc rực rỡ, nổi bật cả khu phố. Nghệ nhân Ứng kể rằng, đây là “màu lửa đúc đồng” với mong muốn răn dạy con cháu phải giữ lấy nghề truyền thống của cha ông.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng là người kế tục thứ 16 của dòng họ theo nghề đúc đồng Ngũ Xã và là người lớn tuổi nhất ở làng vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Ông Ứng từng là chiến sĩ phòng không của Sư đoàn Phòng không 361. Trở về với thương tật chiến tranh, năm 1968, người lính trẻ Nguyễn Văn Ứng bắt đầu lại nghiệp đúc đồng với những sản phẩm phục vụ đời sống văn hóa tâm linh của người dân như: Lư hương, tiền đồng, đỉnh đồng, các tượng Phật cỡ nhỏ...
Làm việc với tiếng văng vẳng bên tai của cha là phải giữ lấy nghề, ông Ứng đã không ngừng tìm tòi để tạo ra những sản phẩm bằng đồng phù hợp với cuộc sống lúc bấy giờ. Năm 1987, ông Ứng mở cơ sở đúc đồng Hoa Mai và vì cần một không gian rộng hơn để sản xuất nên ông đã chọn số 9 phố Hồng Hà.
Bên cạnh việc giữ nghề truyền thống, căn nhà riêng của ông Nguyễn Văn Ứng được xây dựng, bài trí như một bảo tàng tư nhân giới thiệu về nghề đúc đồng Ngũ Xã, đón đông đảo khách tham quan miễn phí trong suốt 10 năm qua. “Nếu không có dịch Covid-19 thì giờ này nhà tôi đón đông khách lắm”, giọng ông Nguyễn Văn Ứng chùng xuống.
Mặc dù vừa trở lại sau cơn tai biến nhẹ nhưng lão nghệ nhân vẫn còn minh mẫn và đầy chất "lửa nghề". Trong ánh mắt của ông tỏ rõ sự lo lắng khi nói về tương lai của nghề đúc đồng Ngũ Xã. “Thanh niên thời nay có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao. Nghề đúc đồng đòi hỏi sự tâm huyết, tỉ mỉ nên hiện rất khó để đào tạo được một thợ đúc đồng có tâm và tầm”, ông Nguyễn Văn Ứng tâm sự.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG