Làng hoa cổ Ngọc Hà còn gọi là Trại Hàng hoa, nằm trong Thập Tam trại (tên gọi dân gian để chỉ 13 làng nghề nằm phía Tây kinh thành Thăng Long). Từ năm 1981 làng trở thành địa phận thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình nhưng lớp người Hà Nội gốc vẫn quen gọi nơi đây là làng Ngọc Hà. Một trong những niềm tự hào của làng cổ là nét đẹp về kiến trúc và lễ hội dân gian đặc sắc của đình làng Ngọc Hà. Đình được xây dựng vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, thờ vị thành hoàng, thượng đẳng phúc thần Huyền Thiên Hắc Đế.

Tọa lạc trên khu đất rộng giữa vùng hồ nước, từ ngoài đường muốn vào đình phải đi qua cầu. Phía trước giáp với hồ xây một bình phong mang hình hổ đang lao ra từ trong lùm cây, cùng hai con voi đá được đặt rời ở tư thế quỳ với đường nét tinh tế. Cổng tam quan xây kiểu cột trụ với hình 4 con rồng quay đầu xuống, phía dưới là 4 con rắn đang ngẩng đầu lên. Trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung ngôi đình vẫn giữ lối kiến trúc nghệ thuật cổ kính từ cuối thế kỉ 18. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị với kiệu bát cống, lọ độc bình, bát hương sứ, bộ bát bửu, chuông đồng, sập gỗ... Đình Ngọc Hà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 15-2-1992.

leftcenterrightdel
Màn đánh trống khai hội do các nghệ sĩ Hội trống Thăng Long thể hiện.
leftcenterrightdel

Người dân nhộn nhịp chuẩn bị vật phẩm cúng mang vào đình.

Trải qua thăng trầm của dòng chảy lịch sử, Đình Ngọc Hà ngày nay không chỉ là di tích tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Ngọc Hà mà còn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây. Theo lệ làng đã có từ lâu đời, ngày 19 tháng Giêng hằng năm dân làng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của vị Thành hoàng làng. Trong truyền thuyết người xưa kể lại, đây là vị thần đã có công đánh tan giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng lãnh thổ là phường Ngọc Hà ngày nay. Sau ngày khải hoàn, vua phong cho thần là “Huyền Thiên Hắc Đế - Thượng đẳng phúc thần”, truyền cho các trại trong núi Sưa muôn đời thờ phụng. Dần dần người dân coi ngày lễ này như lễ hội truyền thống đầu xuân. Vào dịp này, người làng Ngọc Hà sẽ về tụ hội dưới mái đình cổ, nghe lại tích cũ, thành kính thắp nén hương thơm tri ân công đức của cha ông đã xây dựng, bảo vệ quê hương, xứ sở với bao giá trị cả về vật chất và tinh thần. Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Đình Ngọc Hà cho biết: “Lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh vị thành hoàng làng Ngọc Hà là dịp để nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức gìn giữ văn hóa của cư dân phường Ngọc Hà. Qua đó chúng tôi mong muốn cộng đồng dân cư sẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy nét đẹp truyền thống, quyết tâm xây dựng phường Ngọc Hà ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là điểm đến ấn tượng về con người và danh lam thắng cảnh đối với quý khách thập phương”.

Lễ hội được chuẩn bị theo đúng phong tục tập quán, trang trọng, không rườm rà. Xung quanh đình trang trí cờ hội năm sắc ngũ hành, tượng trưng cho mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước an bình của con người. Phần tế lễ với hệ thống các nghi thức yết cáo uy nghiêm do các cụ cao tuổi chủ trì trong trang phục cổ truyền. Phần hội luôn bắt đầu bằng nghi thức dâng hoa truyền thống do những nghệ nhân có tiếng của làng Ngọc Hà thực hiện và không thể thiếu màn đánh trống khai hội rộn rã, khơi gợi niềm tự hào về lịch sử vẻ vang, khí thế phấn khởi đón chào một mùa xuân tràn đầy hy vọng trong mỗi con người. Kết thúc phần khai hội, người dân lần lượt xếp hàng vào đình thắp nến, châm hương, chiêm bái vị thành hoàng làng linh thiêng.

Lễ hội làng Ngọc Hà đã thu hút đông đảo du khách đến với di tích đình Ngọc Hà, trở thành điểm sáng trong hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh xung quanh khu vực. Tuy vậy người Ngọc Hà nói riêng, người Hà Nội nói chung luôn tiếc nuối về nghề trồng hoa đã mai một. Ông Bùi Hạnh Phúc, Trưởng ban Trưởng Ban quản lý di tích Đình Ngọc Hà, cho biết: “Ban quản lý chúng tôi rất mong muốn khôi phục lại nghề trồng hoa và thuốc nam cổ truyền. Hiện nay, chúng tôi đã dành nhiều diện tích xung quanh khuôn viên di tích để trồng những cây hoa rực rỡ sắc màu. Việc làm này được nhân dân đồng tình ủng hộ cao”. Hy vọng, tới đây, các cơ quan chức năng sẽ có những việc làm cụ thể để khôi phục nét đẹp sinh hoạt của làng hoa Ngọc Hà để những giá trị truyền thống luôn hiện hữu giữa cuộc sống hiện đại.

Bài, ảnh: HÀ PHAN - THU HƯƠNG