Về thăm làng Chuông rất dễ nhìn thấy những hàng lá lụi (lá làm nón chuông) được xếp phơi dài trên đê sông Đáy hay hình ảnh những chiếc nón lá đang thành hình trên tay cụ ông cụ bà ngồi trước nhà; trên tay những người bán hoa, bán quả; trên khắp các ngõ ngách làng Chuông.

Theo những người thợ làm nón lâu năm, làm nón có nhiều khâu, nhưng khó nhất là khâu làm khung- đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Khung nón được làm từ các vòng tre tròn xếp đều nhau từ lớn đến bé tạo thành một hình chóp. Các vòng tre phải có độ dẻo phù hợp nếu không nón làm ra sẽ bị méo và nhanh hỏng. Việc khâu nón đòi hỏi sự cần mẫn và chính xác trong từng chi tiết, một chiếc nón hoàn hảo phải có đường khâu chắc và đều tăm tắp với kích thước tiêu chuẩn. Ngoài ra, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vành được vót tròn, đều và khi khâu không làm đứt cước.  Điều quan trọng nữa là mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu. Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được giấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu…  Làm xong một chiếc nón, phải lấy diêm sinh để hun cho nón trắng hơn, sau đó phết quang dầu cho nón bóng và không bị mốc, gặp mưa, nắng nón vẫn thẳng, không bị cong, co lại.

leftcenterrightdel
Nghề làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ và bàn tay khéo léo.

Gia đình cụ Hoàng Thị Tuân là một trong những gia đình làm nghề nón lâu năm nhất tại làng chuông. Nghề làm nón của gia đình đã bắt đầu từ thời ông bà cụ. Là hộ sản xuất gia đình có tiếng tại làng Chuông, nón nhà cụ làm ra bán rất chạy, thậm chí không cần đem đi bán vì có người định kỳ đến lấy. Theo cụ Tuân, để làm ra một chiếc nón lá làng Chuông “chính hiệu”, người nghệ nhân bình thường sẽ phải bỏ ra nửa ngày, thậm chí là cả ngày, với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng bí quyết riêng của dân lành nghề trong làng.

leftcenterrightdel

Nguyên liệu chính được sử dụng để đan nón chính là lá lụi.

Thế nhưng thu nhập so với công sức bỏ ra còn rất thấp. Một thợ làm nón nhanh nhất cũng chỉ được 2 chiếc/ngày. Mỗi chiếc nón được làm từ những nguyên liệu tốt, tỉ mỉ và khéo léo có thể bán với giá hơn 100.000 đồng. Ngoài ra, những chiếc nón bình thường có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng. Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, còn mùa mưa tuy bán chậm hơn, nhưng người dân ở đây quanh năm không lúc nào ngơi việc.

leftcenterrightdel

Cửa hàng của nghệ nhân làm nón Lê Văn Tuy là một trong những nơi phân phối nón lá làng Chuông nổi tiếng.

Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, ngày nay các bậc cao niên trong làng vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu. Nghệ nhân Lê Văn Tuy là nghệ nhân làm nón trẻ nhất tại làng Chuông. Hiện nay gia đình anh vừa kinh doanh vừa nhận dạy nghề làm nón và đón các đoàn du khách đến tham quan. Nghệ nhân Lê Văn Tuy cho biết, để giữ gìn làng nghề truyền thống, trẻ con trong làng hầu như cứ lên 6 - 7 tuổi là đã  được các cụ dạy khâu nón, thậm chí biết cầm kim khâu nón trước khi cầm bút học chữ. Đồng thời, cùng với việc tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề, huyện Thanh Oai đang xây dựng một tour du lịch các làng nghề; trong đó có nghề nón làng Chuông; thường xuyên quảng cáo và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách thập phương về du lịch, tham quan làng nghề.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUYỀN