Nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là một nghề độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Thành, cùng các thành viên CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La đã có nhiều sáng tạo đổi mới để tò he luôn có sức hấp dẫn riêng.

NSƯT Nguyễn Văn Thành sinh ra trong một gia đình có truyền thống nặn tò he. Cũng như bao đứa trẻ khác trong làng nghề hơn 300 năm tuổi này, đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời của anh Thành là những quân tò he. Từ nắm bột gạo, người thợ làng Xuân La tạo ra cả thế giới đầy màu sắc, với đủ loại hình con giống, con giáp, hay các nhân vật trong phim, trong truyện cổ tích... Sinh năm 1978, đến nay, anh Thành đã có mấy chục năm gắn bó với những quân tò he. Hồi còn trẻ, những dịp hè, khi được bố đèo bằng xe đạp lên các công viên, bảo tàng, khu vui chơi trung tâm thành phố cùng bán hàng với bố, anh Thành đã sớm có suy nghĩ: Làm thế nào để những con tò he truyền thống “sống” được với cuộc sống đương đại? Ðể làm được điều đó, trước hết, phải giỏi tay nghề. Mà muốn giỏi nghề thì cần có sự đam mê, trí tưởng tượng, lòng say mê và tình yêu với các em nhỏ.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành bên những món đồ chơi tò he truyền thống.Ảnh: GIANG NAM.

Anh Thành từng bước trưởng thành trong nghề, được các nghệ nhân trong làng đánh giá cao về tài năng và giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan làng nghề. Năm 2009, Chi hội Di sản văn hóa-CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La được thành lập, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Thành đã được các nghệ nhân trong làng tín nhiệm bầu làm Chủ tịch chi hội. Từ đó đến nay, anh Thành cùng CLB làng nghề từng bước triển khai kế hoạch biến làng nghề thành một địa chỉ văn hóa-du lịch. Ðể quảng bá cho tò he, bên cạnh đổi mới một số mẫu mã, anh Thành còn lập một trang web giới thiệu về tò he trên trang: tohexuanla.vn. NNƯT Nguyễn Văn Thành cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa tò he vào học đường, phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn thành phố để giới thiệu, hướng dẫn các em nhỏ tập làm tò he. Từ năm 2015, làng nghề Xuân La được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội chọn làm điểm đón tiếp đoàn học sinh, sinh viên về trải nghiệm nặn tò he, nghệ nhân trong thôn đã giới thiệu về sản phẩm kỷ lục rồng thời Lý nặng 300kg, dài 3m; rùa cõng cúp kỷ lục nặng 250kg, dài 1,3m; bông hoa sen nặng 50kg, đường kính 1m đón nhận nhiều sự quan tâm của công chúng... Ðó là khởi nguồn cho những dự định phát triển nghề tò he sau này.

Tò he được biết đến trong nước, nhưng NNƯT Nguyễn Văn Thành có khát vọng lớn hơn: Mang tò he đi “xuất ngoại” để quảng bá một trong những di sản văn hóa độc đáo của Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hiện thực hóa ước mơ, những năm gần đây, thông qua các sự kiện giao lưu văn hóa các nước ASEAN, châu Á, tò he của làng Xuân La đã được NNƯT Nguyễn Văn Thành đưa tới Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc...

Trở về sau những sự kiện giao lưu văn hóa, NNƯT Nguyễn Văn Thành nuôi hy vọng tạo ra thị trường xuất khẩu cho tò he Xuân La. Mới đây anh Thành khoe, cùng các nghệ nhân trong CLB đã tìm ra nguồn nguyên liệu có thể bảo quản tò he trong thời hạn vài tháng đến vài năm, cũng như “kỹ hóa” món đồ chơi dung dị để đem chúng ra sân chơi quốc tế bằng các sản phẩm mới lạ, như: Tò he trên tranh, tò he trong hộp gỗ, tò he trong cốc thủy tinh,...

Là một trong những nghệ nhân trẻ nhận danh hiệu NNƯT từ đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian đầu tiên của Hà Nội năm 2015, những ngày đầu tháng 9 này, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành nhận niềm vui khi được là một trong hai nghệ nhân tò he được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2020. 

CHÂU XUYÊN