Gia đình nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách (sinh năm 1978) cư ngụ lâu đời ở làng đào Nhật Tân nổi tiếng. Dù cuộc sống gia đình không lấy chữ nghĩa, sách vở để mưu sinh nhưng gia đình anh luôn có nhận thức về giá trị tinh thần quý báu của những cuốn sách. Tình yêu sách truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và theo năm tháng, tủ sách của gia đình anh ngày một nhiều lên, trở thành một "thư viện gia đình" có tiếng ở Thủ đô.
Một phần trong bộ sưu tập sách viết về Hà Nội của nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách. Ảnh: HÀM ĐAN
Trong lĩnh vực sưu tập sách, để có "tên tuổi" trong hàng vạn người sưu tập, thường mỗi nhà sưu tập đều tự xây dựng một vài bộ sưu tập độc đáo không lẫn với ai. Người thì sưu tập về một tác giả, một tác phẩm, người lại sưu tập bản in đặc biệt có thủ bút tác giả... Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, như một lẽ tự nhiên, nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách lựa chọn xây dựng một bộ sưu tập những cuốn sách về Hà Nội, đến nay có hơn 200 cuốn. Số lượng nói trên, tất nhiên không phải là tất cả những cuốn sách trong và ngoài nước viết về Hà Nội từ cổ chí kim, bởi nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách đã chọn lọc theo các tiêu chí như: Phải có giá trị học thuật, có tính xưa cũ hiếm gặp, số lượng in có hạn... Cuốn sách cổ nhất và cũng là cuốn sách đầu tiên nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách sở hữu là “Hà Nội chỉ nam” của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923. Ngoài ra còn rất nhiều cuốn sách giá trị khác như: “Thượng kinh ký sự” (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), “Phố phường Hà Nội xưa” (Hoàng Đạo Thúy), “Hà Nội cũ” (Doãn Kế Thiện), “Chuyện Hà Nội” (Vũ Ngọc Phan), “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (Trần Huy Liệu), “Trên vỉa hè Hà Nội” (Triều Đẩu), “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng), “Ngoại ô” (Nguyễn Đình Lạp), “Lịch sử Hà Nội” (Nguyễn Quang Lực)...
Nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Cũng như bao thú sưu tập khác, sưu tập sách cũng có những công phu riêng. Để có được những cuốn sách quý về Hà Nội, Nguyễn Thế Bách không chỉ bỏ tiền bạc mà cả thời gian tìm hiểu. Bất kể mưa gió bão bùng hay đường sá xa xôi, hễ nghe tin ai đó có cuốn sách mình cần, Nguyễn Thế Bách đều tìm đến. Người có sách quý, xưa cũ không mấy khi bán sách nhưng lại sẵn sàng nhượng lại nếu thấy người sưu tập biết quý, biết giữ sách. Vì thế, rất nhiều lần, Nguyễn Thế Bách đã được tặng những cuốn sách quý về Hà Nội, làm dày thêm bộ sưu tập của mình.
Có sách nhưng không giữ khư khư cho riêng mình, nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách luôn rộng cửa mời đón những người yêu sách đến tham quan, tìm tư liệu phục vụ cho công việc. Rất nhiều công trình nghiên cứu, luận văn của các tác giả đã được viết ra nhờ tư liệu có trong tủ sách của nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách. Ngoài ra, tại các lần triển lãm, nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách đều tích cực mang những cuốn sách quý về Hà Nội để trưng bày. Đó là một cách góp phần quảng bá giá trị tinh thần của những cuốn sách, đồng thời khơi dậy niềm ham mê đọc sách, nhất là với các bạn trẻ ở Hà Nội.
CHU HƯƠNG