Lời giới thiệu trên của sư cụ Thích Đàm Nhung gợi mở cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về những giá trị ẩn sâu trong ngôi đạo quán, đồng thời là chùa cổ nằm yên bình trên địa bàn thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Bước qua tam quan vào ngôi chính điện, sư cụ đọc đôi câu đối sơn son thếp vàng: “Trạch địa lập thánh cung, ngũ thế Lý triều khởi tạo/ Khai thiên chân bí lục, thiên thu Lão đạo trường thư” (nghĩa là: Chọn đất lập thánh cung, triều Lý năm đời khởi dựng/ Mở trời soạn bí lục, đạo Lão ngàn thu mãi ghi). Theo ni sư Thích Đàm Nhung, cả đạo Lão và đạo Phật du nhập vào nước ta từ rất sớm. Thời Trần, Phật giáo được tạo điều kiện để phát triển, tuy nhiên tinh thần Phật giáo phóng khoáng góp phần tạo cho không khí chính trị ít nặng nề, chính sách cởi mở, đời sống tôn giáo có sự hòa hợp. Vì thế đạo quán cùng thờ Tam Thanh (ba vị thần linh tối cao của Đạo lão) và đức Phật. Hưng Thánh Quán do đó mới có tên nôm là chùa Mui. Đây là hình thức giao hòa xuất hiện ở một số nơi như Tam Thanh Quán chuyển thành chùa Tam Thanh ở Lạng Sơn hay Hội Linh Quán chuyển thành chùa Xổ ở Thanh Oai (Hà Nội).

leftcenterrightdel
Khuôn viên Hưng Thánh Quán.

Bên phải tòa tiền đường Hưng Thánh Quán còn có một bức tượng khá lớn, mặc áo giáp trụ, tay bắt quyết, mặt mày uy nghi, xung quanh có đắp tượng các loài vật, tôm, cá. Người trong vùng gọi là Đức thánh Đông Nhạc. Sư cụ Thích Đàm Nhung kể rằng vào dịp đầu hạ, nhà chùa tổ chức lễ cầu mùa. Các già làm lễ trước ban thờ đức Thánh còn ngoài sân bày hình tượng các loài vật gắn với đời sống ở nông thôn. Việc thờ đức Thánh trong chùa là nguyện vọng của người dân địa phương với mong muốn cầu cho mưa thuận gió mùa, hoa màu tốt tươi, chăn nuôi thuận lợi. Đây cũng là nét văn hóa tâm linh xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước từ xa xưa.

Một nét văn hóa tâm linh hội tụ ở ngôi đạo quán-chùa cổ này đó chính là tín ngưỡng thờ Mẫu. Với lối kết cấu thờ tự truyền thống “tiền Phật, hậu Mẫu”, tòa điện phía sau có ban thờ công đồng Tứ phủ và động Sơn Trang. Tục thờ Sơn Trang ban đầu là một tín ngưỡng cổ thờ Mẹ rừng có từ trước khi mẫu Liễu Hạnh ra đời. Việc phối thờ Sơn Trang cùng tứ phủ mang đậm nét tinh thần đoàn kết dân tộc giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi. Theo một số nhà nghiên cứu, đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt có sự dung hòa nhiều yếu tố của đạo Phật và đạo Giáo, đồng thời cả Phật giáo và Lão giáo cũng nương tựa vào đạo Mẫu và sâu xa hơn là các tín ngưỡng dân gian cổ của người Việt để cùng tồn tại và phát triển. Như vậy có thể thấy rằng trong suốt chiều dài lịch sử gần 1000 năm, Hưng Thánh Quán-chùa Mui trở thành nơi giao hòa nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Tất cả đều nương tựa hòa hợp, tiếp thu những yếu tố có lợi của nhau để tồn tại, dần phổ biến rộng khắp trong đời sống tâm linh của người dân trong vùng. Trải qua nhiều biến thiên, ngôi đạo quán-chùa cổ vẫn trụ vững khẳng định tinh thần hòa hợp tôn giáo vì một cuộc sống tốt đẹp nhân văn của ông cha ta còn lưu lại đến hôm nay.

Bài và ảnh: NAM THƯ