Tôi tìm đến Cửa hàng bánh mứt ô mai truyền thống Ngọc Anh ở số 48, phố Hàng Đường, Hà Nội để gặp cụ Lê Thị Vinh, năm nay đã 87 tuổi. Cụ Vinh sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, người đã dành gần trọn cuộc đời mình lưu giữ hương vị ô mai, thức ngon của người Hà Nội, để rồi trong ký ức những người con xa xứ mỗi khi nhớ về Hà Nội lại không thể quên được hương vị ô mai lưu luyến ấy.
Khi được hỏi về ô mai, trên khuôn mặt phúc hậu đã in hằn dấu vết thời gian nơi khóe mắt của cụ Vinh bỗng ánh lên niềm tự hào, bằng chất giọng Hà Nội nhẹ nhàng, cụ chia sẻ: “Nhà tôi đã bảy đời theo nghề làm ô mai, dù phải chật vật lắm, nhưng không ai dứt nó ra được, nó đã trở thành lẽ sống của mỗi người trong gia đình tôi!”.
Cụ Vinh đưa tôi nếm thử món ô mai nhà vừa làm, nhấm nháp trái ô mai nhỏ xinh cay thơm vị gừng, cảm nhận vị chua chua, mặn mặn nơi đầu lưỡi, ký ức về một thời tuổi thơ với những trái ô mai đong đầy kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Thuở học trò, quả ô mai mơ, ô mai sấu hay khế xào chua ngọt đã trở thành thứ quà không thể thiếu trong cặp sách nữ sinh. Cái tên “tuổi ô mai” có lẽ cũng do vậy mà có.
Lượn quanh phố Hàng Đường, con phố ô mai nổi tiếng ở Hà Nội, các cửa hàng ô mai san sát nhau với đủ thứ ô mai sắc màu bắt mắt, kích thích vị giác của người được “chiêm ngưỡng”. Cái vị thanh mát, dịu ngọt, cay cay của ô mai Hà Nội còn theo chân mỗi người rong ruổi trên các ngõ làng, con phố. Cụ Vinh cho biết, nhà cụ chỉ làm 3 loại ô mai chứ không làm nhiều, đó là ô mai mơ tươi xào, ô mai mơ mặn ngọt và ô mai mận tươi xào.
Món ô mai mặn nhà cụ Vinh được nhiều người ưa thích.
Cách làm ô mai mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng để có một mẻ ô mai đượm chất Hà Nội không phải ai cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi người làm phải cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Nhà cụ Vinh thường cẩn thận đặt mua mơ ở chùa Hương. Theo cụ, loại mơ này quả bé nhưng rất giòn. Còn mận thì mua từ Bắc Kạn mới được quả giòn và ngon. Gia vị gừng phải là gừng già và được mua từ Tuyên Quang.
Đầu tiên phải rửa sạch mơ và mận rồi ngâm với đường kính. Cứ 1kg mận hay 1kg mơ thì ngâm với 3kg đường. Ngâm xong có thể để cả năm, lúc nào có khách đặt hàng thì mới xào lên bán. Cách xào ô mai cũng cầu kỳ không kém, lúc xào phải xào gừng trước, khi gần được thì cho mận hoặc mơ vào, để lửa liu riu và phải xào 2 lần. Nhưng để trái ô mai thành phẩm vẫn giữ nguyên được hương vị của trái tươi thì còn tùy thuộc vào tay nghề của những “nghệ nhân ô mai”.
Món mứt quất và mứt dứa là 2 món đặc biệt của gia đình cụ Vinh và chỉ gần Tết mới có. Quất và dứa phải chọn được loại quả chín, công thức cũng tương tự như làm mận xào và mơ xào. Cái khéo của người làm là làm sao khi chế biến vẫn giữ lại được hương vị đặc trưng tươi giòn của quả tươi, vị nào cũng toát lên cái chất tinh túy riêng của mình, khách chỉ ngửi thoáng qua cũng đã thấy tê tê, say say đầu lưỡi. Mứt quất vị rất thơm, đặc biệt còn có thể trị ho cho trẻ và người già. Khách nước ngoài rất yêu thích sản phẩm ô mai của nhà cụ Vinh.
Khách hàng nhà cụ Vinh nhiều nhất vẫn là khách người Bắc di cư vào Sài Gòn. Có lẽ, vị ngon lưu luyến của ô mai Hà Nội đã in đậm trong ký ức, nên dù đi xa người ta vẫn muốn tìm về với thứ hương vị thân thương đó. Các cháu học sinh cũng tìm đến mua rất đông, vì cụ thường chiều các cháu, ai mua 3 ngàn, 5 ngàn cụ cũng bán cho.
Hiện nay, con trai út của cụ Vinh là Phạm Anh Tuấn và cháu là Phạm Huy Hoàng vẫn ngày đêm cần mẫn với nghề truyền thống của gia đình, gìn giữ hương vị ô mai đặc trưng của người Hà Nội. Cụ Vinh có bảo: “Dù sao cũng phải giữ nghề để truyền cho con cháu”.
Đến với Hà Nội, mỗi du khách đều không quên mua về những gói ô mai thơm ngọt đất Tràng An để làm quà. Để rồi cứ mỗi mùa trái cây chín rộ, lòng người lại thầm nhớ thứ quà đơn sơ nơi đất Bắc - ô mai Hàng Đường. Chẳng ai biết rõ ô mai có tự bao giờ, chỉ biết rằng cái hương vị rất đỗi thân quen của nó đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên đối với mỗi người con Hà Nội.
Mong cho cụ Vinh và con cháu nuôi mãi bầu nhiệt huyết, để trái ô mai Hàng Đường lại đến được với những người con xa xứ, du khách thập phương và để hương vị ô mai Hà Thành còn mãi với hậu thế.
Bài, ảnh: TƯỜNG VY