Cổ kính, rêu phong, đó là nét cuốn hút của Hà Nội, một trong những nơi cổ kính, rêu phong nhất Hà Nội chính là ô Quan Chưởng. Ra đời từ năm Cảnh Hưng thứ 10 (tức 1749), ô Quan Chưởng được đặt tên là Đông Hà Môn. Công trình này đã từng được trùng tu, sửa chữa vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Gia Long thứ 16 (1817), tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào năm 1804. Kể từ đó, cửa ô Quan Chưởng cũng phải trùng tu, sửa chữa lại nhiều lần. Lần gần đây nhất, vào năm 2009.
Không chỉ ghi đậm dấu ấn của Kinh thành Thăng Long mà cửa ô này còn là bằng chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân trong việc chống giặc ngoại xâm cũng như gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Cái tên ô Quan Chưởng bắt nguồn từ chính truyền thống yêu nước và tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Người ta gọi cửa ô này là cửa ô Quan Chưởng để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ – chỉ huy vệ binh, đã cùng với khoảng 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) qua cửa ô Đông Hà.”
Cửa ô Quan Chưởng nằm trên con phố cùng tên, nơi tập trung buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng và từng ngày, từng giờ đều nhộn nhịp người qua lại. Cửa ô này được thiết kế theo kiểu vọng lâu – một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn, có mặt trước hướng về phố ô Quan Chưởng (tức phố Rue des Nattes en Joncs - Phố Chiếu Cói) – một con phố thời thuộc Pháp, hướng về sông Hồng, phía đông và mặt sau hướng về phố Hàng Chiếu kéo dài. Cửa ô được xây dựng 2 tầng: Tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1.65m, cao 2.5m, ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Trong khi đó, tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Ngày xưa, lính tuần thường đứng trên vọng lâu để quan sát xung quanh. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật cao gần 1m, rộng khoảng 3m, ở mặt trước có đắp nổi ba chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh:” Đông Hà Môn”.
Giờ đây, tuy những lớp rêu phong và nét cổ kính xưa ít nhiều đã bị mai một, xong nơi đây vẫn là một trong những “dấu ấn Hà Nội xưa”, nơi lưu giữ ký ức lịch sử, nơi được coi là cột mốc văn hóa của dân tộc. Đối với những người dân sinh sống lâu năm trên con phố này, ô Quan Chưởng đã trở nên gần gũi và gắn bó không thể tách rời.
Thời gian cứ thế lặng lẽ in hằn dấu ấn trên từng mái nhà, nóc phố, nhưng ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, cố giữ gìn cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, dân dã mà quý giá đến vô cùng.
Bài và ảnh: VĂN DIỆP