Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT TP Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, giới thiệu tới người dân, du khách về văn hóa dân gian đương đại và di sản văn hóa của Thủ đô. Từ cách đây hai tháng, khi thông tin lễ hội được tổ chức, nhiều làng nghề truyền thống, câu lạc bộ trình diễn văn hóa dân gian trên khắp địa bàn thành phố đã hào hứng đăng ký tham gia.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như: Khu vực trưng bày, giới thiệu 16 làng nghề thủ công truyền thống với sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại; không gian giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (Đông Anh); nghề may áo dài làng Trạch Xá (Ứng Hòa) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, các nghi trượng, đạo cụ, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và trang phục thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt…

leftcenterrightdel
Khu trưng bày và trải nghiệm làm tranh từ vải vụn thu hút đông đảo người dân và du khách.

Không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại giới thiệu và triển lãm những tác phẩm nghệ thuật dân gian với việc sử dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại trong Triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh dân gian Hàng Trống cũng như các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh gốm và tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay... Đặc biệt, tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mang tên VỤN ART được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những người khuyết tật. Du khách được tham quan, trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: "Lễ hội là cơ hội rất tốt đối với các làng nghề chúng tôi. Bởi thông qua dịp này, những người làng nghề học tập kinh nghiệm phát triển của nhau, giao lưu để trao đổi sản phẩm lẫn nhau và nhất là cơ hội quảng bá tới những du khách chưa có dịp tới làng dệt lụa Vạn Phúc. Những năm trở lại đây, làng dệt lụa truyền thống Vạn Phúc có nhiều sáng tạo, đổi mới trong mẫu mã, sản phẩm. Vẫn là chất liệu lụa truyền thống, nhưng hoa văn đã có nhiều mẫu mã, nếu trước đây chủ yếu là các hình phượng, thọ, hỷ… thì nay đã thêm các hình hoa cúc, hướng dương, mai, đào và nhiều linh vật khác. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng phong phú khi làng lụa Vạn Phúc kết hợp, trao đổi hàng hóa với nón làng Chuông để làm nón phủ vải lụa; kết hợp với làng thêu Quất Động… tạo sự phong phú cho các sản phẩm trong sự liên kết làng nghề. Hơn một năm trở lại đây, làng nghề Vạn Phúc còn liên kết với Trung tâm Người khuyết tật quận Hà Đông để cung cấp vải, lụa vụn cho người khuyết tật sáng tạo nên các bức tranh lụa, vừa tạo việc làm, vừa tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bán cho du khách khi tới tham quan làng nghề". 

Tận tình hướng dẫn khách tham quan khu trưng bày làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, Hàn Mi, cán bộ quản lý tour của Công ty dịch vụ du lịch Bát Tràng, giới thiệu những sản phẩm đồ gốm tinh xảo trong sự sáng tạo mới mẻ của các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng. Hàn Mi cho biết, từ khi Hà Nội triển khai tour du lịch làng nghề Bát Tràng, nơi đây đã có nhiều đổi mới. Đổi mới từ sáng tạo nhiều mẫu mã mới với chất liệu, hoa văn phong phú đến thay đổi nhận thức làm du lịch của người dân; đường xá tu bổ, vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa, cửa hàng được trang hoàng bắt mắt, không còn việc chèo kéo khách mà ứng xử của người dân với khách cũng văn minh lịch sự hơn… Tại khu trưng bày làng nghề Bát Tràng, ngoài chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm, du khách còn được trải nghiệm trực tiếp từ các khâu lấy đất, nhào nặn… cho đến khi nhận sản phẩm hoàn thành từ sự hướng dẫn của các nghệ nhân, thợ làm gốm.

Khu vực trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại diễn ra tại khu vực Nhà Bát giác, Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ cũng tạo không khí rộn ràng cho liên hoan. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội được các nghệ nhân, diễn viên tại Hà Nội trình diễn, như: Hát Chèo tàu, hát Dô, hát Xẩm, hát Ví, hát Trống quân... cứ liên tục vang lên, hòa quyện vào không gian của những khu trưng bày làng nghề truyền thống hết sức hấp dẫn.

Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2019 góp phần quảng bá và giới thiệu tới người dân, du khách về di sản văn hóa Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống với sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có thiết kế sáng tạo, sản phẩm văn hóa dân gian trong đời sống đương đại luôn có sức sống bền vững.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN