Ngày nay, sự xuất hiện của những loại đồ chơi hiện đại đã dần lấn át đi vị trí của những đồ chơi dân gian, thế nhưng khi về thăm làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) ta vẫn thấy ở đây tò he có một sức sống vô cùng mãnh liệt.

leftcenterrightdel
Những con giống to he rực rỡ với đủ loại sắc màu

Theo lời kể của những nghệ nhân trong làng, nghề làm tò he có từ khoảng 300 năm trước, ban đầu nó có tên là “bánh chim cò” vì hình thù nặn chỉ loanh quanh hình chim, cò, sau này mỗi chiếc bánh được gắn thêm một chiếc còi, khi thổi phát ra tiếng tò te, lâu dần được gọi chệch đi thành tò he và trở thành tên cho món đồ chơi này.

Khác với những món đồ chơi khác phải làm sẵn từ nhà mang đi, nghệ nhân làm tò he chỉ cần chuẩn bị sẵn nguyên liệu và đồ nghề, khi đến địa điểm mới bắt đầu nhào bột và trộn màu. Khi được khách hàng yêu cầu, nghệ nhân sẽ bắt tay vào làm, mỗi con thú sẽ được nhào nặn trong vòng 7 đến 10 phút. Với khách du lịch nước ngoài và những người chưa biết đến món đồ chơi này, việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài quả là một điều thú vị.

Theo anh Đặng Văn Hậu, nghệ nhân làm tò he tại làng Xuân La, tò he là món đồ chơi mộc mạc, giản dị, nguyên liệu lại gần gũi với đời sống người dân. Tuy nhiên chất liệu cũng chính là nhược điểm của món đồ chơi này, bột gạo khi nặn rất dẻo nhưng lại không để được lâu, dễ bị khô, nứt, tùy vào tay nghề của người làm hay các yếu tố thời tiết mà một sản phẩm tò he có thể giữ từ 3 đến 15 ngày.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu bên sản phẩm tò he của mình. Ảnh nhân vật cung cấp.

Để khắc phục những hạn chế đó và nâng cao giá trị cho sản phẩm truyền thống của quê hương, anh Đặng Văn Hậu cùng một số nghệ nhân khác trong làng đã nghiên cứu và sáng tạo ra công thức pha bột mới, nhờ đó tò he khi nặn có thể giữ được trong nhiều năm. Màu bột cũng được cải tiến và đa dạng hơn theo năm tháng, nếu như trước đây bột nặn tò he chỉ có bốn màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh, đen (đỏ từ gấc, vàng từ củ nghệ, xanh từ lá chàm, đen từ cây nhọ nồi) thì giờ đây bảng màu để nghệ nhân lựa chọn là vô kể.

Bên cạnh đó các nghệ nhân cũng không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm để bắt kịp với thị hiếu của khách hàng, các sản phẩm tò he không chỉ dừng lại ở các nhân vật trong chuyện cổ tích Việt Nam mà còn có cả các nhân vật hoạt hình nước ngoài… Đặc biệt, sắp tới Tết Trung thu, các nghệ nhân còn tạo hình những bộ tò he mang đậm dấu ấn quê hương Việt Nam với hình ông Tiến sĩ, thằng Bờm, cậu bé chăn trâu thổi sáo, chị Hằng, chú Cuội…

Anh Hậu cũng cho biết: "Để theo và giữ nghề là một áp lực lớn đối với những người con Xuân La chúng tôi. Không chỉ tìm tòi và sáng tạo ra các sản phẩm mới, chúng tôi còn phải tính đến bài toán đầu ra cho sản phẩm, rồi làm sao để sản phẩm tò he vừa bắt kịp được xu hướng của thị trường vừa mang đậm bản sắc quê hương. Tuy nhiên, những khó khăn đó không khiến chúng tôi nản lòng mà ngược lại càng làm chúng tôi càng hăng say, đam mê hơn nữa".

Hiện nay, bên cạnh việc làm tò he, anh Hậu cũng đang phân phối sản phẩm bột gạo để nhiều người có thể tự tay làm ra món đồ chơi mang giá trị tinh thần to lớn này. Anh cũng rất tích cực mang sản phẩm tò he của quê hương tới giới thiệu ở các hội chợ, triển lãm để đông đảo bạn bè trong và ngoài nước biết tới.

Anh chia sẻ rất tự hào và hạnh phúc khi được các trường học, các cơ quan doanh nghiệp mời tới hướng dẫn làm tò he. Đó cũng là nguồn động lực to lớn để anh tiếp tục lưu giữ nét văn hóa truyền thống quê hương.

Bài, ảnh: PHẠM ĐIỆP