Ban đầu, Tò he còn có tên gọi dân dã là "đồ chơi chim cò" bởi vì nó mang hình con vật. Sau này người thợ đa dạng hóa các sản phẩm, gắn thêm một chiếc kèn ống, ở đầu chiếc kèn quết thêm một ít mạch nha. Khi thổi phát ra âm thanh "tò te", đọc lái thành "tò he".
Bột gạo nếp pha lẫn với đường ai cũng nghĩ rằng đó là một món bánh, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của những người thợ lành nghề thì đó trở thành món đồ chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ bao người.
Không giống như những mặt hàng khác làm sẵn tại nhà rồi mang đi bán, Tò hè mà được làm ngay tại chỗ khi khách hàng yêu cầu. Nguyên vật liệu được chuẩn bị từ ở nhà, sau đó đến nơi bán, người nghệ nhân mới luộc bột và trộn màu. Công đoạn luộc bột tại chỗ nhằm đảm bảo được chất lượng, độ dẻo và sự tươi mới cho sản phẩm.
Người mua sẽ được chứng kiến đầy đủ các công đoạn làm một con tò he chỉ sau vài phút chờ đợi. Đôi tay khéo léo, cùng với trí sáng tạo, tưởng tượng của mình những cục bột phút chốc sẽ biến thành các nhân vật, đồ vật khác nhau, vô cùng bắt mắt.
Nào là Cô bé Lọ Lem, cô bé quàng khăn đỏ, nàng Bạch Tuyết… bước ra từ truyện cổ tích, rồi Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, các siêu nhân… xuất hiện trong phim ảnh, hay những con voi, con ngựa, gà trống … đều trở thành nhỏ bé, đáng yêu, rực rỡ sắc màu xuất hiện trên tay người mua. Để rồi bất cứ ai được chiêm ngưỡng khoảnh khắc độc đáo đó đều phải trầm trồ thán phục. Đây chính là một nét đặc biệt của riêng loại hình này mà không một trò chơi nào có được.
Trước đây, Tò he không chỉ là một đồ chơi dân gian, mang văn hóa dân tộc mà nó còn là một “món hàng” giúp bà con sau ngày mùa nặng nhọc có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống, cùng nghệ nhân rong ruổi khắp mọi miền quê.
Ngày nay, với sự phát triển của các đồ chơi công nghệ, các món đồ chơi dân gian như Tò he trở nên không còn phổ biến. Thế nhưng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 30km về phía Nam, làng nghề Xuân La-Phượng Dực (Phú Xuyên, TP Hà Nội), làng nghề nặn Tò he có truyền thống khoảng 300-600 năm vẫn luôn giữ nghề.
Ở đó, những nghệ nhân vẫn không ngừng gìn giữ một thú chơi dân dã, đầy bản sắc, đã một thời tô điểm cho Hà Nội thêm cổ kính và giàu nhân văn. Để giờ đây, khi chúng ta bắt gặp những gánh hàng Tò he trên phố là thấy cả một nét văn hóa của dân tộc.
Bài, ảnh: ĐẶNG CƯỜNG