Làng rèn Đa Sỹ thuộc thôn Đa Sỹ (xã Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Đây là một làng nghề cổ với tuổi đời hàng ngàn năm lịch sử, nổi tiếng với nghề rèn truyền thống trải qua nhiều thế hệ. Tương truyền nghề rèn Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất, lao động. Phải tới thời nhà Trần, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn nức tiếng khắp Kinh kỳ khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/4/2020/12/08/phucthang/121313.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Làng Đa Sỹ nổi danh với nghề rèn truyền thống. |
Cái hay của làng Đa Sỹ là nghề rèn được truyền từ đời này qua đời khác. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Hồng Phấn, chúng tôi hiểu thêm về những bí quyết rèn được người dân Đa Sỹ lưu truyền qua bao đời nay. Ông Phấn năm nay đã ngoài 80 nhưng hằng ngày ông vẫn gắn bó với cái búa, cái đe cùng những tiếng đập chan chát. Vừa thoăn thoắt mài lưỡi dao, ông Phấn vừa chia sẻ: “Làng này có truyền thống rèn từ cả ngàn năm trước rồi. Cả làng cùng làm thì thành nghề thôi. Từ ông cố tôi, ông tôi, bố tôi rồi giờ con tôi cũng làm nghề rèn. Nhưng cái làng này không phải chỉ có mỗi rèn, chỗ này xưa cũng có nhiều tiến sĩ đỗ đạt lắm. Chả thế người ta gọi cái làng này là Đa Sỹ. Gọi đây là đất học cũng không sai vì dân trong làng cực kỳ chăm lo việc học tập của con cái”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/4/2020/12/08/dinhhung/z2216848818714_4c06d56f1fa2cdfcc0d216a236acbe5b.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Ông Nguyễn Hồng Phấn vẫn rèn vật dụng mỗi ngày. |
Dù vậy, khi chúng tôi hỏi đến việc giữ gìn nghề rèn của thế hệ trẻ hiện nay, ông Nguyễn Hồng Phấn tỏ ra khá lo lắng: “Hiện nay thời thế thay đổi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề rèn nữa. Tôi vì thế mà cũng buồn rầu. Cũng khó trách giới trẻ bởi hiện tại nghề rèn thu nhập không mấy dư dả. Nếu có cơ sở rèn lớn thì buôn nhiều sẽ có lãi nhiều, còn rèn theo gia đình thì chỉ đủ ăn tiêu thôi”.
Cũng giống như ông Nguyễn Hồng Phấn, gia đình ông Lê Hùng Khanh cũng là một cơ sở rèn có tiếng tại Đa Sỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Khanh đã phụ bố mẹ làm nghề rèn và từ đó cái nghề này theo ông đến tận bây giờ. Ông Khanh quan niệm: “Nghề rèn giờ có nhiều thuận lợi khi có sự giúp sức của công nghệ. Việc rèn ra một đồ dùng cũng dễ dàng và không mất quá nhiều sức như trước. Nguyên liệu giờ cũng rẻ mà dễ mua hơn trước, chất lượng cũng bảo đảm. Tùy thuộc vào quy mô sản xuất có nhà kết hợp với thương lái, có nhà thì chỉ như nhà tôi sản xuất đến đâu bán tại nhà đến đó. Thường những đồ dùng được rèn từ người thợ với tay nghề cao sẽ rất có giá. Nhưng hiện nay trong làng chỉ có những người trung niên, cao tuổi giữ nghề thôi. Giới trẻ giờ có nhiều lựa chọn nên không còn mặn mà với nghề rèn vất vả này. Hiện nay, có nhiều vật dụng trôi nổi từ nơi khác vẫn được thương lái quảng cáo là đồ rèn Đa Sỹ. Dù vậy, không phải ai cũng phân biệt được đồ thật, giả”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/4/2020/12/08/dinhhung/z2216847566342_b973326c5630ede571a0f373c36b2bdb.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Các mặt hàng rèn tại Đa Sỹ khá phong phú. |
Làng Đa Sỹ hiện nay tồn tại gần 200 hộ vẫn duy trì sản xuất. Làng nghề là nơi hội tụ những tay rèn giỏi, nghệ nhân tài hoa, với những sáng tạo độc đáo được coi là "bí quyết gia truyền, bí quyết làng truyền". Tùy thuộc vào tay nghề mỗi nhà, mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng. Mặt hàng rèn ở Đa Sỹ cũng khá phong phú như: Dao chặt, dao thái, dao bầu, xẻng, cuốc, đục... có giá thành tương đối tốt. Dù vậy, điều mà rất nhiều người thợ rèn ở Đa Sỹ lo lắng, sau thế hệ của họ thì không biết có còn ai giữ nghề rèn của ông cha đã được lưu giữ hàng ngàn năm nay hay không?
Bài và ảnh: HUY CHƯƠNG