Bài múa mở đầu chương trình được trình bày dưới sự thể hiện của những học viên không lành lặn về cơ thể. Họ đều mang trong mình những khiếm khuyết bẩm sinh.  

Giai điệu của bài hát vang lên, các cô gái thể hiện tiết mục một cách tự nhiên và vui tươi nhất. Những động tác múa tự tin, không điêu luyện nhưng lại đi vào lòng người. Đôi ba lần chiếc nón trên bàn tay nhỏ run run của một cô gái rơi xuống; rồi cũng không ít lần có bạn bị bệnh về nhận thức quên động tác của mình, bạn diễn bên cạnh lại cầm tay trợ giúp theo nhịp... Những lúc như vậy, chúng tôi và mọi người ngồi dưới đều cười vui mà khóe mắt lệ trực trào.

leftcenterrightdel
Bài múa được dàn dựng và thể hiện bởi chính những con người khiếm khuyết.

Dường như trên sân khấu, họ biểu diễn không chỉ là múa phụ họa cho bài hát, mà còn thể hiện những gì đẹp nhất về tâm hồn. Những con người đã phải chịu nỗi bất hạnh ngay từ lúc sinh ra, đau đớn hơn vì họ không chỉ phải chống chọi với nỗi đau về thể xác tật nguyền mà còn chịu tổn thương về tâm hồn. Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1989, vào trung tâm từ lúc 5 tuổi, với giọng nói không được rõ ràng, chia sẻ: “Chúng em tập bài múa chỉ một nửa buổi chiều là đã thuộc rồi, nhưng do bị khiếm khuyết ở tay nên cầm nón cũng khá khó khăn. Vì thế phải tập đi tập lại nhiều lần để tìm ra cách cầm nón chắc chắn, múa sao cho đẹp nhất".  

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), nơi nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 300 người già và trẻ em, trong đó có khoảng 40 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, cho biết: "Các em ở trong trung tâm thường ngày ít được ra tiếp xúc với môi trường bên ngoài, song nhờ có các đoàn tình nguyện đến chăm sóc và vui chơi cùng nên các em dần tự tin hơn. Và chương trình văn nghệ hôm nay chính là hoạt động văn hóa, tinh thần mà các em thường xuyên được tham gia tại trung tâm".

 Bài và ảnh: NGỌC HOA