Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, tranh Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI. Đây là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra. Thời kỳ được cho là hoàng kim của tranh Hàng Trống là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; khi đó, dòng tranh này được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống.

Lọ Tố Nữ mang “hồn” tranh Hàng Trống.
Hộp quà do nhóm S-River thiết kế, lấy cảm hứng từ bức tranh Canh nông vi bản (nghề nông là căn bản) trong dòng tranh Hàng Trống.

Không giống với các dòng tranh dân gian quý của Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng sử dụng hoàn toàn kỹ thuật in khắc gỗ, tranh dân gian Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh Hàng Trống được ưa thích bởi yếu tố văn hoá, triết lý được truyền tải; mỗi bức tranh mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, nội dung cầu phúc, cầu an, thể hiện triết lý sâu sắc.

Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, ngày càng có ít người biết đến giá trị của tranh Hàng Trống cũng như các dòng tranh khác, khiến chúng đang phải đối mặt với tình trạng mai một. Xuất phát từ thực tế này, các nhà thiết kế, biên tập đồ họa trẻ đam mê và yêu thích các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam đã cùng thành lập nhóm S-River để thực hiện dự án Họa sắc Việt.

Cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” của nhóm S-River.
Các thành viên của nhóm S-River thảo luận về các mẫu họa tiết trong cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” .

Mục tiêu của S-River là cung cấp cho ngành thiết kế, mỹ thuật hiện đại của Việt Nam và những người yêu mến văn hóa dân gian Việt Nam một kho nguyên liệu về họa tiết và màu sắc truyền thống trên môi trường số. Sản phẩm đầu tiên của họ là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”, nơi tập hợp, mã hóa những hoa văn, màu sắc từ tranh Hàng Trống, nhằm tạo ra thư viện hoa văn số, vừa giúp lưu giữ giá trị truyền thống, vừa tạo ra kho chất liệu phục vụ công việc của giới thiết kế. Đây là tín hiệu vui cho việc khôi phục “sức sống” của một dòng tranh nổi tiếng của đất Kinh kỳ xưa.

Chị Trịnh Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Sáng lập viên nhóm S-River chia sẻ: “Ngành thiết kế đồ họa đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm các họa tiết dân gian “thuần Việt” để thiết kế, sản xuất các sản phẩm liên quan đến truyền thống. Trong khi đó, tranh Hàng Trống lại là một kho tư liệu vô cùng phong phú. Chúng tôi mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, nét đẹp trong tranh Hàng Trống bằng những ứng dụng hiệu quả cho đời sống đương đại, qua đó lan tỏa tình yêu, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long trong đời sống đương đại”.

Chị Trịnh Thu Trang trình bày dự án Họa sắc Việt tại một buổi diễn thuyết truyền cảm hứng TEDxĐaKao.

Theo chị Trang, nhóm S-River chọn khai thác chất liệu dân gian trên tranh Hàng Trống theo cách hoàn toàn mới, tạo nên những ứng dụng sáng tạo trẻ trung và phù hợp với đời sống hiện đại, thay vì sử dụng y hệt những hình ảnh thời xưa cũ. Từ các bước số hóa họa tiết, sắc màu… đến đưa ra các gợi ý ứng dụng sáng tạo phục vụ cộng đồng yêu di sản, nhóm S-River cho thấy tiềm năng ứng dụng chất liệu dân gian vào các thiết kế đương đại một cách hiệu quả.

Đầu tiên, các thành viên của nhóm S-River chụp lại tranh Hàng Trống gốc. Sau đó, họ sẽ khảo sát những họa tiết nào có tiềm năng ứng dụng cao rồi đưa những họa tiết đó lên phần mềm đồ họa, biến những bức tranh ở trên giấy trở thành những hình vector (hình ảnh được tạo thành từ các thuật toán riêng biệt, để phối màu cho các đối tượng hoặc các hình cơ bản) để có thể sử dụng được trên các phần mềm vi tính.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Phan Ngọc Khuê trò chuyện với các bạn trẻ về giá trị của tranh Hàng Trống và những đóng góp của dự án Họa sắc Việt trong việc giữ gìn, lan tỏa dòng tranh này.

Thế nhưng, tâm huyết của các bạn trẻ là chưa đủ. Còn có một con người vẫn thầm lặng hỗ trợ, cố vấn cho nhóm S-River. Đó là nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Phan Ngọc Khuê. Theo ông, tranh Hàng Trống là dòng tranh ít ỏi dành cho bậc sĩ phu, trí thức và chỉ họ mới có thể tường tận, thấu hiểu hết các tầng nghĩa trong tranh Hàng Trống. Về cách in ấn, kỹ thuật vẽ thì tranh Hàng Trống cũng ở hàng đỉnh cao. Màu sắc dùng trong tranh Hàng Trống là màu phẩm trong suốt, có thể nhìn thấy xuống tận dưới chứ không thấu qua như trong tranh Đông Hồ.

“Sang đến thời đại mới, yêu cầu mới, thẩm mỹ mới thì con người có xu hướng quay về nghiên cứu, hiểu biết các giá trị truyền thống, trong đó có tranh Hàng Trống, để áp dụng vào các sáng tác mới, nâng cao giá trị đó lên. Tất cả các nỗ lực gìn giữ giá trị truyền thống đều đáng hoan nghênh”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê chia sẻ.

Các họa tiết do nhóm S-River sáng tạo và số hóa lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống có thể áp dụng rộng rãi trong các thiết kế đương đại.

Những sản phẩm đầu tiên có thiết kế ứng dụng từ các họa tiết của tranh Hàng Trống đã xuất hiện, cũng chính là tâm huyết của những người trẻ muốn lưu giữ một nét đẹp của “hồn dân tộc” trong cuộc sống đương thời. Đồng thời nhóm S-River hy vọng dự án Họa Sắc Việt sẽ tạo động lực, khuyến khích những người làm nghề thiết kế sáng tạo ra được những hoa văn đẹp, mang bản sắc Việt Nam.

Với những gì đã đạt được, nhóm S-River muốn truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa đến với mọi người: Văn hóa như một dòng chảy và mỗi chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành dòng chảy riêng. Bởi thế không phải “chúng tôi”, mà phải là “chúng ta” mới đủ sức mạnh để cùng tạo nên một dòng chảy văn hóa Việt đậm bản sắc!

MINH ANH