Vừa qua, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Đại học xây dựng Hà Nội tổ chức.
Theo đó, cuộc thi dành cho đối tượng là các sinh viên thuộc các trường đào tạo ngành Kiến trúc, Mỹ thuật tại Hà Nội mà nòng cốt là trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
 |
TS Lê Xuân Kiêu thực hiện nghi thức đánh trống phát động cuộc thi. |
Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” là hoạt động nhằm hưởng ứng việc thực hiện các cam kết của TP Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đồng thời tạo ra “sân chơi” mỹ thuật bổ ích và ý nghĩa nơi các bạn sinh viên được thỏa sức sáng tạo, bày tỏ suy nghĩ, bay bổng trí tưởng tượng với các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ, khung cảnh với từng góc nhỏ của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Nói về ý tưởng tổ chức cuộc thi, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Cuộc thi bắt nguồn chính từ hình ảnh các bạn sinh viên đến vẽ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Chúng tôi đã chứng kiến du khách rất hào hứng khi nhìn thấy hình ảnh các bạn sinh viên đang say mê vẽ và những tác phẩm về Văn Miếu-Quốc Tử Giám của các bạn đã tạo nên nhiều cảm xúc cho du khách tham quan”.
 |
Cổng vào khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Trong khi đó, TS Trần Hậu Yên Thế, đại diện Ban Cố vấn cuộc thi đã bày tỏ sự tin tưởng rằng những sáng tạo của các bạn sinh viên không chỉ là những cảnh quan kiến trúc, không chỉ là những trang trí kiến trúc mà còn cả những cây cối, hoa lá và con người cùng những sinh hoạt đa dạng trong không gian linh thiêng này mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh Văn Miếu-Quốc Tử Giám - nơi hội tụ những tinh hoa, những giá trị văn hóa của Thủ đô và cả nước.
Về phần mình, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, cuộc thi là một sáng kiến hay và thú vị, đáp ứng được trên cả hai phương diện: Thúc đẩy giáo dục sáng tạo và tạo sân chơi để các bạn sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng của các bạn sinh viên.
 |
Hồ Thiên Quang bên trong khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Không chỉ là cuộc đua tranh thứ hạng, chứng tỏ bản thân, cuộc thi còn góp phần lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa tới các bạn sinh viên, góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng cho quá trình phát triển sáng tạo và bền vững của thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Trước đó, ngày 30-10-2019, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có thành phố Hà Nội.
 |
Du khách tìm hiểu về lịch sử của các bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Như vậy, Hà Nội là thành phố sáng tạo thứ 246 trên thế giới và Thủ đô thứ 32 được công nhận về mặt sáng tạo thiết kế. Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” là hoạt động hưởng ứng việc thực hiện cam kết của thành phố khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự kiện này không chỉ là sân chơi sáng tạo cho những sinh viên yêu thích mỹ thuật mà còn góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam trong đó có di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Bài, ảnh: MINH ANH