Văn Miếu - Quốc Tử Giám được biết đến là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa. Vào đời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu được xây dựng để thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử...). Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.
 |
Cổng chính của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Đến đời vua Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và trực tiếp cho các hoàng tử. Năm 1370, sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ nhà giáo Chu Văn An ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Đại Việt Sử Ký toàn thư tôn vinh Chu Văn An là “ông tổ của các nhà nho nước Việt”.
Khác với không khí phố phường náo nhiệt bên ngoài, chỉ vài bước từ bên trong khung tường bằng gạch Bát Tràng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những tán cây hàng trăm năm tuổi khiến cho nơi đây mang một cảnh sắc hoàn toàn khác biệt. Du khách như được trở về đúng với không gian giáo dục xưa của đất kinh kỳ.
 |
Khuê Văn Các. |
 |
Toàn cảnh hồ Thiên Quang. |
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có năm khu khác nhau, được ngăn cách bởi những bức tường ngang gạch vồ cổ kính. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính, trên cổng có chữ Văn Miếu Môn, dưới cổng có đôi rồng đá mang phong cách thời Lê Sơ (thế kỷ XV), kéo dài đến Đại Trung môn.
Con đường lát gạch từ Văn Miếu môn sẽ tiếp tục đưa du khách tới khu vực thứ hai, từ Đại Trung môn đến Khuê Văn Các - công trình kiến trúc độc đáo, biểu tượng của văn hóa và văn học Việt Nam.
 |
Du khách tìm hiểu về lịch sử của các bia tiến sĩ. |
 |
Nhà Thái Học là nơi các giám sinh xưa làm văn, nghe giảng kinh thư. |
Bước qua Khuê Văn Các là khu vực thứ ba - giếng Thiên Quang quanh năm đầy nước soi bóng gác Khuê Văn Các và tạo không gian thủy mộc hài hòa cho tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng 2 hàng bia tiến sĩ với 82 tấm bia đá ghi danh những con người đỗ đạt thành danh ở Quốc Tử Giám qua 82 khoa thi cử. Năm 2010, những bia đá này đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
 |
Du khách có thể mua các đồ lưu niệm hoặc xin chữ ngay bên trong khu di tích. |
Sau khi tham quan nhà bia Tiến sĩ, qua cửa Đại Thành, du khách sẽ tới một khoảng sân rộng lớn được lát gạch Bát Tràng, mở đầu cho khu vực chính của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hai bên trái và phải của sân là hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu. Kết nối với đầu hồi của hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu, tạo nên cấu trúc hình chữ U truyền thống là tòa Đại bái. Tòa nhà gồm 9 gian, hiện nay chỉ có gian giữa của tòa Đại bái có hương án thờ, các gian còn lại đều để trống. Song song với tòa Đại bái ở phía sau là điện Đại Thành gồm 9 gian, xây tường 3 mặt. Gian chính giữa của điện đặt khám và ngai lớn thờ Khổng Tử.
 |
Cuối con đường là Đền Khải Thánh, xưa vốn là Quốc Tử Giám bao gồm giảng đường, thư viện và tạm xá. |
 |
Điện thờ nhà giáo Chu Văn An. |
Khu vực thứ năm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nhà Thái học, xưa là Quốc Tử Giám, nơi đào tạo nhân tài cho các triều đại. Trải qua thời gian cùng những biến cố lịch sử, tòa nhà cũ đã bị phá hủy. Năm 1999, nhà Thái học đã được khởi dựng lại với quy mô kiến trúc bề thế và hài hoà với cảnh quan của khu Văn Miếu phía trước.
 |
Nơi tôn thờ vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. |
Phần kiến trúc sau cùng là khu Tiền đường và Hậu đường được xây dựng lại năm 1999. Tiền đường là nơi trưng bày những tư liệu thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ người Việt. Hậu đường với kiến trúc gỗ hai tầng là nơi thờ, tôn vinh nhà giáo Chu Văn An và trưng bày các tư liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như nền giáo dục Nho học Việt Nam. Tầng hai là nơi tôn thờ các vị vua đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học Việt Nam là vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
 |
Chiếc trống Sấm được làm để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội do bàn tay của những nghệ nhân hàng đầu làng trống Đọi Tam làm năm 2001. Hiện nay, trống Sấm được trưng bày tại Văn Miếu như biểu tượng của chiếc trống của trường đại học Việt Nam xưa. |
 |
Hiện tại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang là nơi diễn ra Triển lãm thư pháp Truyền kinh chính học từ 23-11 đến 23-12-2019. |
Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tiêu biểu như các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề, tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội, trao giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay tổ chức thường niên Hội sách, Ngày thơ Việt Nam…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 430/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch cấp thành phố. Đây là cơ hội để di tích này trở thành một địa điểm du lịch mang tính riêng biệt, hấp dẫn người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam, trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Bài, ảnh: NGÂN ANH