Được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám triển khai từ năm 2016, chương trình có nội dung định hướng cho học sinh hiểu về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới, hiện đại.
 |
Các em học sinh xem phim tài liệu về thầy giáo Chu Văn An. |
Song song với đó, Trung tâm đã tích cực kết nối với nhiều trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội để phối hợp gắn kết chương trình này với việc học tập ở các trường, bảo đảm sự tích hợp một cách nhuần nhuyễn những kiến thức trên lớp với những hiểu biết mới mà học sinh thu được qua trải nghiệm trên di sản tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Ngoài ra, từ cuối năm 2019, Trung tâm đã ra mắt “Khu trải nghiệm di sản” trí tại nhà Hữu Vu, khu điện Đại Thành thuộc Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đây là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của học sinh và trẻ em, nơi dành cho khách tham quan tìm hiểu nghiên cứu chuyên sâu về di sản. Không gian này được trang bị các thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính bảng phục vụ hoạt động trình chiếu, thuyết trình các phim, ảnh tư liệu về Văn Miếu-Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử ở Việt Nam; hệ thống các pano để các em tổ chức các cuộc trưng bày, góc lưu giữ cảm xúc về các hoạt động lịch sử văn hóa. Trong khuôn viên khu trải nghiệm còn trang trí tranh vinh quy bái tổ, các hoạt tiết trang trí trên đá ở nhà Thái Học xưa.
 |
Các em học sinh tìm hiểu về chữ Hán trên các bức hoành phi tại khu vực nhà Bái đường. |
Học sinh đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh nhằm tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của khu di tích với các em. Đến nay, chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ…
Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm, tham gia các hoạt động này, học sinh được thỏa sức sáng tạo với các hoạt động hướng về di sản. Bên cạnh đó, bản thân các em phải chủ động tìm hiểu các thông tin về di sản trước mới có thể tham gia tốt nhất các hoạt động của Chương trình. Điều này đã khuyến khích các em chủ động nâng cao kiến thức về Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
 |
Tập viết bằng bút lông trong chủ đề “Tìm hiểu về Lớp học xưa”.
|
 |
Các em học sinh trải nghiệm, thực hành in tranh linh vật cổ. |
Trong một ngày cuối tuần, các thầy cô giáo và các bạn học sinh trường Trung học cơ sở Pascal (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã cũng tham gia chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Theo cảm nhận chung, sau một năm quay trở lại, Ban tổ chức đã bổ sung nhiều chủ đề mời, đa dạng, hấp dẫn cho chương trình.
Em Ngô Chí Hiếu, lớp 7B, trường Trung học cơ sở Pascal, cho biết rằng mình rất quan tâm đến các nhân vật lịch sử và các danh nhân dân tộc. “Hôm nay em cùng các bạn chọn chủ đề Tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An qua trò chơi Ô chữ kỳ diệu. Việc tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An giúp em đã học được nhiều bài học quý, đó là đức tính trung thực và ham đọc sách”, Hiếu chia sẻ.
Còn với em Đỗ Minh Duy, lớp 7A, chủ đề “Tìm hiểu chữ Hán qua các công trình kiến trúc và hoành phi tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám” mang đến cho mình thêm nhiều kiến thức về chữ Hán. “Nhóm của em rất thích chữ “Hiếu học” (trên Bia Tiến sĩ khoa thi 1763) vì chúng em đều mong muốn bản thân luôn chăm chỉ và học được nhiều cái mới”, Duy cho biết.
 |
Thầy cô giáo và các em học sinh trường Trung học cơ sở Pascal chụp ảnh lưu niệm sau chuyến tham quan, trải nghiệm chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Cô Nguyễn Thị Thảo, phụ trách chương trình ngoại khoá của nhà trường khẳng định, các em học sinh rất chủ động trong học tập, thông minh và nhiều ý tưởng sáng tạo. Các em học sinh bị cuốn hút từ đầu tới cuối, đặc biệt sau mỗi chủ đề các em lại được tự tay viết chữ, hay tự tay in tranh chữ cổ, in tranh họa tiết hoa văn cổ trên bia Tiến sĩ. Sau trải nghiệm thực tế đó, trở về với lớp học, các em thêm yêu lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa của Thủ đô.
Có thể nói, mô hình giáo dục di sản trực tiếp như tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường. Gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới, hiện đại sẽ là một xu hướng phát triển bền vững, cần được nhân rộng, làm cho di sản “mang hơi thở cuộc sống”.
Bài và ảnh: MINH NGÂN