Nhớ có hôm Giáng Son bảo: “Hà Nội thích thật, có 4 mùa”. Thì đương nhiên rồi (tôi thầm nghĩ). “Thậm chí có tới 12 mùa”-Giáng Son nói thêm và giải thích rằng, 4 mùa, mỗi mùa trên dưới 3 tháng, trong đó, mỗi tháng đầu và cuối lại có sự chuyển giao với mùa sắp qua đi và mùa đang chuẩn bị tới, như thế, thời tiết ngay trong một mùa đã có những sự khác biệt nhất định giống như là 12 mùa vậy; và vì thế, mỗi tháng gần như Hà Nội lại có một loài hoa khoe sắc. “Là 12 mùa hoa đó”-tôi ngớ người trước sự phát hiện mới mẻ trong những thứ đã quá đỗi quen thuộc vốn nằm lòng với những người gắn bó cùng thành phố nghìn năm văn hiến này. Thì đấy là câu chuyện vui Giáng Son chia sẻ trong một buổi chiều mùa đông trước, khi cô nói chuyện rằng có trung tâm bên hải ngoại mua bài hát để làm chương trình Xuân. Bên trung tâm đó muốn một bài Xuân mà Giáng Son không có, chỉ có bài “Hà Nội 12 mùa hoa” đã sáng tác chừng gần hai năm trước nhưng vẫn để đấy đợi thời điểm thích hợp mới tung ra, trong đó có một chút Xuân: “Tháng Giêng hoa đào bừng nở, đón Xuân khoe sắc hồng tươi” rồi “Tháng Hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố” và cuối Xuân thì “Tháng Ba bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây”.

leftcenterrightdel
Thu Phương là giọng ca thể hiện thành công bài hát “Hà Nội 12 mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Bài hát ấy gửi cho Thu Phương hát. Một ngày, Thu Phương liên lạc về, ngỏ ý muốn tăng độ cao trào bằng cách thêm lời để lặp lại phần điệp khúc. Giáng Son đồng ý, cũng từ đó, không khỏi hồi hộp và có chút lo lắng ngóng "đứa con tinh thần" chào đời. Riêng tôi thấy người biên tập nào đó thực sự có nghề. Một giọng hát trữ tình đượm buồn đầy nội lực, đã gắn bó với Hà Nội suốt tuổi ấu thơ cho tới những năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời. Có ai đã từng gắn bó với Hà Nội khi xa nơi đây mà trái tim lại không luôn nhớ về? Và rồi Thu Phương hát, cộng với phần hình ảnh minh họa những loài hoa, cùng sân khấu với ánh sáng, âm thanh hiện đại lập tức chinh phục lòng người. “Hà Nội 12 mùa hoa” đã đi vào lòng người như thế.

Tôi cứ nghe đi nghe lại bài hát ấy mà ngẫm ra những thú vị. Có tới 12 mùa hoa trong một năm so với một thành phố là quá nhiều. Giáng Son đã chọn phương pháp đảo lời, đoạn đầu là tháng Giêng, rồi hai, ba, tư theo đúng thứ tự. Đoạn sau thay đổi: “Mùa hoa tháng Năm cháy rực phượng đỏ/ Hồ Tây ngát hương, mùa sen tháng Sáu/ Ngập tràn lối đi, hoa sấu tháng Bảy/ Trở về tuổi thơ, hoa xoan tháng Tám…”. Cách làm mới này chỉ được sử dụng ở câu đầu khi sang điệp khúc: “Mùa hoa sữa rơi, tháng Chín nồng nàn”. Ngay sau đó, tên tháng đã được ẩn đi: “Mùa thu đã sang, mùa hoa cúc đến/ Tình yêu thủy chung, tím biếc thạch thảo/ Rực rỡ cuối đông, cải vàng ven sông…”. Vậy thôi nhưng chắc chắn ai cũng biết đó là những loài hoa của mùa đông.

Đáng nói là ở 12 loài hoa mà Giáng Son đã chọn, có thể nhìn thấy cả một bề dày lịch sử và những thay đổi trong giá trị thẩm mỹ cùng sự ảnh hưởng qua lại, sự giao lưu văn hóa quốc tế. Vì ở đó, có những loài hoa bản địa, có những loài hoa du nhập rất sớm, có lẽ từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta cả nghìn năm trước. Dường như cảm nhận được những điều thật gần gũi từ những sắc hoa mà Thu Phương đã giãi bày như đúc kết từ chính tâm tư mình trong phần lời được thêm vào: “Là những sắc hoa ngát hương bốn mùa/ Là những nhớ thương ngày ta đi xa/ Là những khát khao mong quay trở về/ Để ta thấy như ngày còn ngây thơ” đã khiến cho câu kết “Tôi yêu những sắc hoa” của Giáng Son thêm nồng nàn, khắc khoải.

QUANG LONG