Chùa Bà Đanh (chùa Châu Lâm) - ngôi chùa cổ có bề dày lịch sử lâu đời, một trong số ít những ngôi chùa ở Hà Nội còn giữ được nét đặc trưng của chùa làng ngày xưa, được xem như một điểm hẹn văn hóa, tinh thần cho những ai muốn tìm về chốn thanh tịnh, bình lạc. 

Tọa lạc trên mảnh đất cổ của kinh thành Thăng Long xưa, chùa Bà Đanh nằm sâu trong ngõ 199 làng Thụy Chương nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội). Chùa được xây dựng năm 1497 và được tu sửa lần đầu vào năm 1889. Theo cụ Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban Quản lí Di tích Chùa và Đền của phường Thụy Khuê: “Chùa Bà Đanh tên thật không phải chùa Châu Lâm như tựa ở cổng chùa. Nếu khi vào chùa ai thực sự am hiểu và quan sát kỹ hoành phi treo trên tường thì sẽ nhìn thấy cái tên “Phúc Châu Tự”. Đây mới thực sự là tên chính xác của chùa”. 

leftcenterrightdel
Từ Ngõ 199 Thụy Khuê đi vào trong khoảng 50m ta sẽ thấy cổng chính của chùa.

Tương truyền vào thời Lê, sau khi vua Lê Thánh Tông đi dẹp quân Chiêm Thành có đưa về rất nhiều tù binh. Thời điểm đó nhà vua có cho xây dựng Châu Lâm Viện (viện tu dưỡng Châu Lâm) để phục vụ cho quá trình cải tạo. Vua Lê với quan điểm tâm có tịnh thì lòng mới an, nên không lâu sau đó vì muốn tù binh song song với quá trình cải tạo có thể hương khói thờ phật, nhà vua tiếp tục cho xây dựng trên vùng đất đó một ngôi chùa lấy tên trùng với tên Viện tu dưỡng. Trên cơ sở đó, năm 1497 chùa Châu Lâm ra đời. Sau này một số người Chiêm Thành trở về quê, một số người khác di cư sang vùng khác sinh sống nên chùa vắng vẻ và thưa thớt dần. Một thời gian sau, phần do xuống cấp, phần vì địa phận của chùa được lấy để xây dựng trường Chu Văn An nên chùa được dời về chùa Phúc Lâm ở Thụy Khuê (1907). Lấy chữ Phúc trong Phúc Lâm và chữ Châu trong Châu Lâm ghép thành Phúc Châu. Theo ông Tùng, Ban Quản lý cho rằng đây mới là tên thật của chùa. Còn về phần tên gọi Bà Đanh, thì đây chính là tên Nôm của chùa được đặt dựa theo tên của một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Cái tên Phúc Châu và Bà Đanh được ít người biết đến, mọi người thường hay biết đến tên gọi chùa “Châu Lâm” như tên tựa ở cổng chùa.

Chùa Bà Đanh có quy mô khá lớn với tổng diện tích khoảng 4.300 m2. Khác với nét hiện đại mà các chùa Tam Chúc, Ba Vàng… thời gian gần đây đang hướng tới xây dựng, chùa Bà Đanh mang vẻ đẹp cổ điển tiêu biểu cho kiến trúc cổ chùa làng với chất liệu gỗ truyền thống. Nếu đi thẳng Ngõ 199 Thụy Khuê vào trong khoảng 50m ta sẽ thấy cổng chính của chùa, tuy đã cũ nhưng vẫn còn chắc chắn. Thời gian làm phai nhạt màu sơn vàng trên trụ cổng đi vài phần, rêu phong cũng phủ lên không ít nhưng biển đề “Chùa Châu Lâm” màu vàng đậm nổi bật trên nền đỏ vẫn còn rất rõ. Chùa lợp ngói đỏ và trần làm hoàn toàn bằng gỗ. Trên tường vẫn còn lưu lại dấu ấn của những họa tiết với các đề tài: rồng, long, mã, phượng, vũ, thần, quy, lạc. Số lượng tượng Phât trong chùa không nhiều nhưng tương đối đầy đủ, gồm tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu. Bên cạnh đó, chùa còn có bộ dị vật với các văn bia, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi câu đối. Tư liệu thành văn có các bia đá và chuông khánh của thời Lê – Nguyễn… Nhìn chung, kiến trúc chùa Bà Đanh không quá đặc sắc, hoàn hảo nhưng vẫn thể hiện được đặc trưng riêng, mang nét đẹp tinh tế, cổ kính đúng với chất của “một ngôi chùa làng” mà không nơi nào có thể trộn lẫn được.

leftcenterrightdel
Không gian trong chùa.

Giữa một Hà Nội nhộn nhịp và phát triển không ngừng, giữa những ngôi chùa mới ngày ngày được đầu tư và trùng tu thay mới, vẫn có một Chùa Bà Đanh nằm lặng nghiêng mình sâu trong con ngõ nhỏ của phố Thụy Khuê. Không ồn ào, không đông đúc, không chen chúc nhộn nhịp chư khách thập phương cúng vái, chùa vẫn tồn tại như một chứng nhân của lịch sử, một điểm hẹn văn hóa tinh thần cần được lưu giữ. Vườn cây, ao cá, bể nước, sân nhà, hàng gạch đỏ, đất trồng rau… và cả chiếc chổi mo cau cũ từ thời xưa đã mòn gần hết dựng ở góc nhà, là những gì bạn có thể bắt gặp khi bước vào khuôn viên của ngôi chùa.

Đến thăm chùa vào một ngày giữa tuần, chúng tôi may mắn khi được gặp và trò chuyện cùng trụ trì của chùa là thầy Thích Đàm Chỉnh (người trực tiếp trông coi và quản lí chùa). Tuy năm nay đã bước sang tuổi 88, mắt nhìn không còn tinh, tai nghe cũng không còn rõ nhưng sự tận tụy và tâm huyết của thầy Chỉnh với ngôi chùa này là điều không ai có thể phủ nhận. Thầy bảo: “Tai tôi điếc nhưng chân tay còn nhanh nhẹn, làm được việc gì thì tôi vẫn làm; khi thì xới đất trồng rau, khi thì quét sân quét nhà, rửa khay thay lễ, mở đóng cổng chùa… Tôi già rồi nên chẳng nghe thấy các cô hỏi gì đâu, đi ra đền Voi Phục mà gặp thầy Tùng. Ông ấy nắm rõ lắm…”. Dáng người nhỏ nhắn, bước đi hơi xiêu vẹo của tuổi già, cái miệng móm mém ân cần và những lời chỉ dẫn tận tình của thầy Chỉnh khi được chúng tôi hỏi chuyện có lẽ là một dấu ấn khó phai khi nhớ đến chùa Bà Đanh.

leftcenterrightdel
Chùa có cây xanh và khoảng ao tĩnh mịch.

Lý giải về câu thành ngữ dân gian hay truyền miệng “vắng như chùa Bà Đanh”, Trưởng ban Quản lí Di tích Chùa và Đền phường Thụy Khuê – ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ vì vị trí nằm sâu trong con ngõ nhỏ, nên chùa Bà Đanh vắng vẻ một phần cũng là do vị trí của nó mà ít người biết đến. Hỏi thăm một số người dân quanh chùa được biết, do trụ trì trông chùa tuổi đã cao, việc kiểm soát tài sản và trông coi có phần bất cập nên thường hay khóa cổng chùa để tránh trộm cắp. Đây cũng là lý do mà chùa có chút vắng vẻ.

Chùa thờ Phật và thờ Mẫu, Sư Tổ của các dòng sư môn để cầu phúc cho dân làng. Ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ Tổ của chùa.

Chùa Bà Đanh Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội tuy không nổi tiếng lừng danh, không đông đúc khách thập phương khói hương nghi ngút, lễ vật cao đầy nhưng với đặc điểm kiến trúc mang đậm nét đẹp truyền thống của chùa làng xưa, đặc biệt là không khí mát mẻ, trong lành, không gian yên bình và thanh tịnh, nơi đây sẽ khiến bạn không thể nào quên dù chỉ một lần tới.

Bài, ảnh: THU HẰNG