Lưu giữ vẻ đẹp truyền thống

Hàng Đào xưa kia nguyên là phần đất của hai phường Đồng Lạc (phía giáp Hàng Ngang) và Đại Lợi (phía giáp Bờ Hồ), thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Thời Lê, phố này là trung tâm thương mại sầm uất, một trong 36 phố phường của Kinh đô Thăng Long với nghề nhuộm tơ lụa.

Ngoài ra, Hàng Đào còn là nơi buôn bán vải tơ lụa và càng về sau, việc buôn bán mặt hàng này càng là chủ yếu. Do đặc điểm của phố này mà cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã gọi Hàng Đào là “phố tơ lụa” (Rue de la soie).

Mặt tiền đình Đồng Lạc.

Đình Đồng Lạc được xây dựng từ thời Lê ở thế kỷ XVII, thờ Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã. Trong đình còn tấm bia đá gắn trên tường được khắc năm Tự Đức Bính Thìn (1856) ghi rõ: Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông Trần Hợp Tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng… Tấm bia đình Đồng Lạc là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta biết thêm về lịch sử của ngôi đình và chợ bán yếm lụa nơi đây.

Do nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng, một tầng dùng để bán hàng và một tầng để ở. Năm 1956, nơi đây được sử dụng làm cửa hàng bách hóa.

Những nét kiến trúc cổ của đình Đồng Lạc được bảo tồn nguyên vẹn.

Năm 2000, trong khuôn khổ hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp), đình Đồng Lạc đã được dựng lại đúng theo dáng xưa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đến đầu năm 2010 một lần nữa đình được trùng tu, tôn tạo. Năm 2004, đình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản cấp Quốc gia, nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại. Toàn bộ kiến trúc của một ngôi đình, từ cánh cửa với dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị”, kết cấu mái với cột đỡ hình đầu rồng, đến những câu đối cổ được đặt khắp nơi trong nhà đều được lưu giữ nguyên bản.

Đình Đồng Lạc tọa lạc trên thửa đất có mặt bằng dạng thoát hậu theo kiến trúc chung của những ngôi nhà ở phố Hàng Đào, rộng mặt tiền 6m, bên trong còn 1,1m, sâu 51,65m, tổng diện tích 188,9m2. Mặt bằng bố cục theo nguyên tắc nhà ống truyền thống, được phân chia bởi từng lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân trong nhằm thông gió và lấy ánh sáng.

Tháng 1-2017, theo quyết định của Sở Du lịch Hà Nội, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích đình Đồng Lạc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đình Đồng Lạc.

Tôn vinh đồ thủ công mỹ nghệ 

Để khai thác di sản văn hóa một cách hiệu quả, từ năm 2017, thành phố Hà Nội phối hợp cùng thương hiệu sơn mài Hanoia để đưa các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làng nghề vào trưng bày trong Không gian Văn hóa Hanoia tại đình Đồng Lạc.

Những góc trưng bày tinh hoa sơn mài Việt.

Với cách bài trí tinh tế, tinh hoa sơn mài Việt được hiện diện trên những chiếc bàn sơn mài tuyệt mỹ, những chiếc bình cẩn trứng cầu kỳ, những bộ nữ trang tinh tế chăm chút vô cùng tỉ mỉ, những hộp trà, cơi trầu đầy họa tiết tinh xảo.

Đó còn là góc trưng bày các sản phẩm phong phú như mặt nạ, sổ tay, quạt bằng chất liệu giấy dó truyền thống. Trải qua một thời gian bị mai một, giấy dó ngày nay đang dần trở lại trong những sản phẩm có tính mỹ thuật cao, độc đáo. 

Hanoia dành riêng một không gian trên tầng 2 của đình Đồng Lạc để giới thiệu những trang phục được thiết kế từ lụa Lãnh Mỹ A.
Đình Đồng Lạc luôn thu hút nhiều du khách, người dân đến thăm quan, tìm hiểu và mua sắm.

Ngoài ra, du khách đến đây còn có thể tìm hiểu, nghiên cứu và mua thứ lụa cầu kỳ duy mỹ mang tên Lãnh Mỹ A. Đây là loại lụa được dệt từ tơ tằm hảo hạng, được coi là “nữ hoàng của các loại tơ tằm”, được nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa và trải qua tay nghề tinh hoa của nghệ nhân dệt.

Cùng với đó, nơi đây cũng trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa đối với những người yêu di sản. Định kỳ vào các chiều ngày thứ sáu của tuần thứ hai trong mỗi tháng, Không gian Văn hóa Hanoia tổ chức các giao lưu và tọa đàm nghệ thuật cũng như trưng bày các triển lãm trong một số lĩnh vực như: Hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…

Vừa giữ được nét kiến trúc cổ, vừa khoác lên mình “tấm áo” tinh hoa thủ công từ nhiều miền trên dải đất Việt, đình Đồng Lạc là di sản văn hóa, một điểm đến không thể bỏ lỡ của những chuyến du lịch khám phá văn hóa, lịch sử phố cổ Hà Nội. 

Bài, ảnh: KHÁNH NGÂN