Làng Quan Nhân trước có tên là Nhân Mục Môn nổi tiếng hiếu học ở đất kinh kỳ. So với các làng, xã xung quanh Thăng Long thành, tuy Nhân Mục Môn không giàu có bằng nhưng con dân của làng là quan chức, khoa bảng lại có phần nổi trội nên cái tên Quan Nhân bắt nguồn từ đó.

leftcenterrightdel
Khuôn viên chùa Quan Nhân

“Nhập tác hiếu, xuất tác dễ khả tri lễ” (người có lễ thì vào nhà thấy họ hiếu thảo, ra đường thấy họ khiêm nhường) là câu đối các nho gia xưa nói về  nét đẹp trong nhân cách người dân làng Quan Nhân. Về văn hóa, người dân nơi đây tôn sùng đạo Phật bởi Đức Phật chú tâm cứu nạn, cứu khổ, khuyên dân làm việc thiện. Sư thầy Thích Đàm Chí, Trụ trì chùa Quan Nhân cho biết:

- Theo đoán định từ truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân và bài minh trên chuông chùa, Sùng Phúc Tự được xây dựng từ thế kỷ XVII, là di tích kiến trúc Phật giáo (qua nhiều lần trùng tu và qua hệ thống tượng gỗ hiện còn tại chùa cho thấy nó mang nhiều dấu ấn kiến trúc tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX; và kiến trúc hiện còn cho đến nay cũng cách chúng ta ngót 100 năm). Sùng Phúc Tự được xây dựng theo đông đảo tâm nguyện và đóng góp của nhân dân làng Quan Nhân để thờ Phật với mục đích là nhằm giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân và đem lại sự an lạc về tinh thần, cũng như hướng con người ta tới cái đẹp nội tâm, sống tốt đời đẹp đạo, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.

Về tổng thể, mặt bằng kiến trúc khuôn viên chùa rộng 1.930,2m2 (khu vực 1 là 1.804m2, khu vực 2 rộng 126m2). Các hạng mục công trình kiến trúc chính gồm có: Tam quan, sân vườn, Tam Bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách và phòng nghỉ sinh hoạt của các vị sư trụ trì, tường bao xung quanh của khu di tích. Ngoài chức năng chủ yếu là thờ Phật, chùa Quan Nhân còn thờ Mẫu theo tín ngưỡng bản địa của người Việt như thờ Tổ, thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần; chùa cũng là nơi hương khói thờ những người có công, gửi giỗ còn gọi là tục thờ Hậu. Quần thể kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo nơi đây thực sự là sự kết hợp hài hoà trong tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, nhằm giải quyết mối quan hệ trong tín ngưỡng dân gian - truyền thống và hiện đại - theo đạo nghĩa tốt đẹp của người Việt Nam là “Uống nước nhớ nguồn”.

Không chỉ mang đậm dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử, chùa Quan Nhân còn chứa đựng nhiều sự kiện của thời kỳ cách mạng - kháng chiến. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, khu vực đình chùa Quan Nhân là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng và là nơi Việt Minh nằm vùng. Nhân dân địa phương và các vị sư trụ trì, tu hành tại chùa cũng tích cực đóng góp nhiều công của và sức lực hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã Nhân Chính (năm 1948) kể:

- Sau khi CMT8 thành công, sân chùa Quan Nhân chở thành nơi để xóa giặc dốt, diệt giặc đói và để tự vệ quân luyện tập kỹ chiến thuật trong chiến đấu.

Năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, ở Quan Nhân, chúng thiết lập bộ máy cai trị của địa phương có lý trưởng, mật vụ, chỉ điểm, đồng thời xây dựng các đồn, bốt án ngữ để kìm kẹp cách mạng và nhân dân. Thế nhưng, với truyền thống yêu nước, nhân dân Quan Nhân đã xây dựng lực lượng cách mạng, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ. Bà Nguyễn Thị Hồng kể tiếp:

- Tuy bọn giặc hung hãn, nhưng chúng cũng rất sợ thần thánh trừng phạt. Lợi dụng điều này, tôi đã trực tiếp gặp sư thầy Thích Đàm Tỵ, đề nghị giúp đỡ nuôi giấu cán bộ cách mạng.

“Tâm chẳng mê, chẳng đọa sinh tử/ Nghiệp chẳng buộc, chẳng thọ hình hài/ Ái chẳng nặng, chẳng vào ta bà/ Niệm chẳng khởi, chẳng sinh nghiệp lụy”. Đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên, sư thầy Thích Đàm Tỵ đã tổ chức nuôi giấu cán bộ việt minh tại máng sối trên mái của nhà Mẫu chùa để bí mật hoạt động. Ban ngày nằm trên máng sối, đêm xuống làm việc và được nhà chùa đùm bọc, bảo vệ, nuôi dưỡng. Từ Sùng Phúc Tự các kế hoạch, chủ trương xây dựng cách mạng, phá tề, trừ gian ở vùng địch hậu lan rộng và làm quân Pháp hoang mang. Để đối phó với phong trào cách mạng đang bùng nổ, năm 1948 địch điên cuồng tổ chức khủng bố, giết chóc ở làng Quan Nhân. Ngày 24-2-1949, sau khi bị mật thám chỉ điểm. Quân Pháp ập đến và phá cơ sở cách mạng bí mật ở Sùng Phúc Tự, chúng đã bắn chết sư thầy Thích Đàm Tỵ khi sư thầy cố gắng ngăn cản hành động của bọn chúng để giải vây cho các cán bộ Việt Minh.

Với những giá trị hiện còn của di tích, Sùng Phúc Tự được UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, Di tích cách mạng - kháng chiến.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ